Bài viết dài 4500 chữ này gồm ba phần là
 Những sự kiện có thật trong lịch sử.
 Những vấn đề khi không thể ra quyết định được ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào
 Kinh nghiệm của cá nhân mình trong việc ra quyết định.
Và những cách giúp bạn có thể ra quyết định nhanh chóng. 
MỘT QUYẾT ĐỊNH ĐÃ TẠO RA NỖI NHỤC NHÃ LỚN CHO NƯỚC MỸ
Tôn Vũ - người viết ra binh Pháp Tôn Tử lẫy lừng nói “Dùng binh thì phải nhanh như vũ bão. Ra quyết định thì tuyệt đối không được do dự”.
Một trong những sự kiện quan trọng nhất trong chiến tranh Thế giới thứ hai là Hải quân đế quốc Nhật Bản đánh úp hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu cảng vào cuối năm 1941 là minh chứng cho việc ra quyết định và hành động bất chấp kết quả sẽ đem tới kết quả khác biệt như thế nào. 
Khi đó Mỹ vẫn giữ một thái độ trung lập trước cả hai mặt trận Đại Tây Dương và Thái Bình Dương dù phát xít Đức và quân đội Đế quốc Nhật Bản đang liên tục xâm chiếm các Quốc gia và khác. Tại thời điểm ấy, dù đã nhìn nhận mối nguy hiểm tiềm tàng của Nhật với sự an ninh của mình, nhưng Mỹ vẫn chỉ áp đặt các lệnh cấm hay hạn chế xuất khẩu dầu mỏ và kim loại vốn là hai nguồn nguyên liệu tối quan trọng tạo ra và duy trì sự hoạt động của tàu chiến và máy bay Nhật.
Khác với sự lừng chừng của Mỹ thì Nhật Bản đã sớm nhìn nhận rằng sự bành trướng xuống phía Nam (Đông Nam Á và Châu Úc) sắp tới của mình sẽ làm ngứa mắt Mỹ và rồi hai nước sớm muộn gì cũng xảy ra chiến tranh tổng lực. Nếu Mỹ cấm xuất khẩu dầu mỏ và kim loại sang Nhật thì coi như quân đội Nhật Bản sẽ bị bóp chết khi nước này phụ thuộc vào những tài nguyên này để xây dựng và vận hành lực lượng cơ giới của mình.
Ảnh minh hoạ trận Trân Châu cảng.
Ảnh minh hoạ trận Trân Châu cảng.
Vì thế Nhật Bản đã quyết định đi trước Mỹ một bước: đưa các tàu sân bay vượt Thái Bình Dương đánh úp hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng (Hawaii) trước khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra. Nếu Nhật thực hiện được kế hoạch táo bạo này, ít nhất trong 1 tới 2 năm thì Mỹ không thể ngăn cản được sự tiến quân của Nhật xuống tới phía Nam, là nơi có nguồn tài nguyên dồi dào mà Nhật Bản có thể khai thác không cần tới nguồn cung cấp từ Mỹ. Câu chuyện sau đó đã trở thành một bài học lịch sử và cũng là “nỗi ô nhục lớn nhất của Hoa Kỳ” từ chính miệng tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt thốt lên khi Nhật Bản đánh chìm và làm hỏng hóc gần 20 tàu chiến của Mỹ, phá huỷ gần 200 máy bay cũng như giết chết hơn 2000 lính. Trong khi phía Nhật chỉ chịu tổn thất là 29 máy bay và 4 tàu ngầm cỡ nhỏ.Và nhờ may mắn thì những chiếc tàu sân bay của Mỹ khi đó đang đi tập trận thì mới thoát khỏi tình cảnh bị đánh chìm cũng những tàu chiến khác. 
Nhưng trước đó giới thượng tầng trong chính phủ và quân đội Nhật Bản lại cho rằng oanh kích Trân Châu cảng là điều không thể. Việc phải vượt qua hàng nghìn dặm và né tránh tàu báo động của Mỹ là một việc hết sức khó khăn. Ngoài ra các yếu tố khác như thời tiết, vị trí chính xác để ném bom cũng như nếu Mỹ và Nhật đạt được thoả thuận thì việc Nhật bí mật đưa hạm đội tiếp cận Trân Châu cảng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Tuy nhiên Yamamoto Isoroku –  lãnh đạo tối cao hải quân Nhật Bản và cũng người đã vạch ra kế hoạch tập kích Trân Châu cảng vẫn ra quyết định tấn công khi ông loại trừ mọi yếu tố gây nhiễu. Tất nhiên Yamamoto Isoroku không chắc chắn hoàn toàn rằng trận tập kích sẽ thành công, nhưng nếu chần chừ ra quyết định thì cơ hội sẽ trôi qua mất: đó là khoảng thời gian hòa bình ngắn ngủi còn lại được tính bằng ngày giữa Nhật và Mỹ. Đây chính là yếu tố bất ngờ để Nhật tiến hành đánh úp khi có thể huy động một lực lượng lớn vượt Thái Bình Dương mà Mỹ vẫn để mắt tới. Thực tế thì cuộc tập kích Trân Châu cảng diễn ra chỉ sau 30 phút khi Nhật Bản tuyên chiến với Mỹ (Theo mình biết thì có dữ liệu chứng minh rằng Nhật đã tấn công trước khi bản tuyên chiến gửi đến Mỹ). 
Và Yamamoto Isoroku đã đúng ở giai đoạn đầu cuộc đại chiến Thái Bình Dương giữa Nhật và Mỹ trong chiến tranh thế giới lần hai. Nhờ vào việc giáng đòn chí mạng vào hạm đội Mỹ thì Nhật Bản đã hoàn toàn làm chủ Thái Bình Dương bằng một loạt chiến thắng. Lợi thế này giúp Nhật vượt trội hơn Mỹ trong khoảng thời gian từ 6 tháng tới 1 năm trên chiến trường. Nếu trong khoảng thời gian đó mà Mỹ không thể chiến thắng được Nhật thì bắt buộc sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán. Tất cả đều bắt đầu từ kết quả oanh kích Trân Châu Cảng, nhưng kế hoạch này vốn đã bị phản đối nếu như không có sự quyết đoán trong việc ra quyết định và giữ nguyên quyết định đó một cách đến cùng của Yamamoto Isoroku. 
TỪ VĨ MÔ TỚI VI MÔ TRONG VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC CHẬM TRỄ HOẶC KHÔNG THỂ RA QUYẾT ĐỊNH
Tất nhiên quyết định mang tầm vĩ mô trong một cuộc chiến tổng lực để đi tới kết quả tập kích Trân Châu cảng thành công đã được xem xét dựa trên những số liệu và các cuộc mô phỏng oanh kích thành công trong hàng tháng trời trước khi đi tới một cú đấm mang đầy thuyết phục. Nhưng về cơ bản, quyết định ban đầu vẫn được giữ nguyên từ ý tưởng cho tới lúc Nhật Bản đưa hạm đội đánh lén áp sát Trân Châu cảng và đạt được thắng lợi.
Trong thời cổ đại cách đây hơn 2300 năm, có một câu chuyện mang tính ẩn dụ và đậm tính cá nhân chưa được xác nhận liên quan đến Alexander Đại đế đã phải ra quyết định trong một trường hợp cấp bách đến thế nào. Vấn đề này liên quan đến một cỗ xe có tên là Gordius.Trong thần thoại Hy Lạp, cỗ xe này là sở hữu của Gordius vua xứ Phrygia. Gordius là cha của Midas, Midas là người có bàn tay chạm vào cái gì thì sẽ biến thành vàng. Trên cỗ xe Gordius này được thắt một sợi dây thừng vô cùng phức tạp đến mức có lời tiên tri rằng nếu ai tháo được nút thắt này thì sẽ là bá chủ toàn cõi Á Châu.
Alexander cũng không phải là ngoại lệ. Chiến binh bất khả chiến bịa của Macedonia cũng không thể gỡ được những nút thắt trên cỗ xe Gordius. Nhưng đứng trước ba quân đang nín thở chờ mình, Alexander đã nhanh trí rút kiếm ra rồi... chặt đứt sợi thừng và la to lên “Ta đã mở được rồi!”. Toàn quân reo hò vang cả một góc trời. Bản thân Alexander thì tràn ngập sự tự tin và ý chí quyết thắng. Sau đó Alexander kéo toàn quân tiến đánh Ba Tư rồi dành chiến thắng vang dội trước khi đặt chân tới Bắc Ấn Độ - là điểm tận cùng của Á Châu trong con mắt của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. 
Sau này thuật ngữ "Nút thắt Gordius" thường được sử dụng để mô tả một vấn đề phức tạp hoặc nan giải nhưng được giải quyết bằng một quyết định hay một hành động nhanh chóng và ngay tức khắc. 
Tranh minh hoạ Alexander Đại đế chém đứt sợi thừng trên cỗ xe Gordius
Tranh minh hoạ Alexander Đại đế chém đứt sợi thừng trên cỗ xe Gordius
Nhìn từ góc độ vi mô trong hành động Alexander trong vụ chém đứt nút thắt Gordius hay vĩ mô đã dẫn tới quyết định tập kích Trân Châu cảng của Yamamoto Isoroku đều có một điểm chung nổi hẳn lên: Quyết đoán trong việc đưa ra quyết định. Khi đã quyết định thì mới có thể dẫn tới hành động. Và khi hành động thì mới dẫn tới kết quả.
Trong cuộc sống ngày nay, một trong những vấn đề tiêu tốn rất nhiều nguồn lực từ thời gian, vật chất cho tới chất lượng công việc đó là chúng ta không thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Điều này đúng trong cả những lựa chọn cho cá nhân bạn rồi tới đội nhóm, công ty và các dự án bạn tham gia.
Mỗi sáng thức dậy, nhiều người trong chúng ta thường phân vân không biết phải mặc gì, mua gì ăn, đi cung đường nào là hợp nhất. Rồi khi tới trường học, văn phòng bạn cũng phải liên tục đưa ra những quyết định khi có nên duyệt và gửi email này, tham gia những cuộc họp nào hay cần phải trao đổi công việc, bài tập với ai... Chưa kể là nếu như trong buổi sáng ngày hôm nay bạn gặp phải các vấn đề gây ức chế tinh thần và cảm xúc như dậy muộn, kẹt xe, có tranh cãi với bố mẹ, người yêu và giữa vợ chồng với nhau. 
Và khi không thể ra quyết định trong tầm vi mô cho bản thân mình đa số chúng ta sẽ để những việc mang tính dễ dàng và hời hợt kiểm soát bản thân và tự ý quyết định hành vi mình như lướt web hàng giờ đồng hồ, lang thang khắp mọi ngóc ngách trên facebook và xem hết video này đến video khác trên Tiktok. Hoặc đơn giản là mở đi mở lại một email hay file excel rồi nhìn chằm chằm vào đó tự hỏi “Mình phải làm thế nào đây? Phải bắt đầu từ đâu đây?”
Còn khi nhìn theo góc độ vĩ mô khi nhìn nhận trong 6 tháng hay 1 năm mà mỗi ngày trôi qua bạn đều gặp những vấn đề khi không thể đưa quyết định thì nhiều khả năng sẽ dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều: Cuộc sống của bạn đi xuống khi công việc không có sự tiến triển và bản thân bạn gặp nhiều trì trệ và bế tắc. Tất cả đến từ việc bạn không thể tự mình đưa ra quyết định và phụ thuộc vào hoàn cảnh quyết định giúp bạn. Thường thì hoàn cảnh sẽ đưa đẩy bạn tới tất những lựa chọn dễ dàng, nhưng cái giá của sự dễ dàng đó là nó chẳng đem tới một chút giá trị nào cả.
Vậy giá trị của quyết định đó làm là gì để nhận định rằng hành động đó là đúng?
GIÁ TRỊ VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH BẤT CHẤP KẾT QUẢ
Một quyết định có giá trị là thúc đẩy bạn làm những gì cần phải làm ngay trong thời điểm đó. 
Ví dụ bạn dậy muộn 10 phút so với mọi ngày, nhưng bạn vẫn phải ngay lập tức đưa bản thân thực hiện những thói quen thường ngày (Đánh răng, thay đồ, mua đồ ăn...) và đi tới chỗ làm chứ không để sự bực bội hành hạ tâm trí bạn và làm phiền tới người xung quanh.
Một quyết định có giá trị đem tới những tác động và phản hồi ngay lập tức.
Đó là việc bạn phân vân trước bản kế hoạch công việc tuần này chưa hợp lý. Bạn rất muốn truyền đạt suy nghĩ của mình tới sếp nhưng lại sợ sếp phật ý. Tuy nhiên nếu không nói ra thì bạn sẽ biết rằng sẽ không thể thực hiện được. Bạn vẫn phải thẳng thắn trao đổi ngay lập tức để sếp và đội ngũ cùng điều chỉnh lại kế hoạch nhằm đạt được sự hiệu quả nhất. 
Một quyết định có giá trị khiến bạn có hứng thú để đưa bản thân vào chế độ tập trung làm việc và học tập.
Thay vì lướt web hay xem ảnh đẹp trên Instagram để lấy cảm hứng cho ngày mới, bạn hãy đọc vài trang sách, viết ra giấy nhớ những việc cần làm trong ngày và gửi lời cảm ơn cho ai đó thân thiết. 
Và một quyết định có giá trị không phải là nó đem tới kết quả tốt hay xấu mà là nó đã được biến thành hành động. 
Điển hình nhất là chính mình đã làm theo cách đó.
Mỗi khi có một ý tưởng loé lên trong đầu thì ngay lập tức mình sẽ viết ra vào Notes trên laptop hay smartphone. Sau đó từ ý tưởng này mình sẽ triển khai thành một bài viết hoặc truyện ngắn hoàn chỉnh. Có thể ý tưởng đó chỉ dài trên dưới 500 chữ, nhưng cũng có nhiều ý tưởng khi viết ra lại có lên tới hơn 5000 chữ. Trong quá trình đó mình nhận ra là việc ngăn cản mình hoàn thành một bài viết và không thể viết trọn vẹn được là tại bản thần mình SUY NGHĨ QUÁ NHIỀU về việc ai sẽ đọc bài viết này? Nó thực sự có ích chứ? Những gì mình viết ra nếu chán ngắt và sai từ đầu đến cuối thì sao?.. Nhưng ngược lại, nếu mình chỉ viết với chất lượng tốt nhất có thể thì mình sẽ đạt được kết quả cuối cùng là hoàn thành bài viết từ một ý tưởng mơ hồ nhưng đầy cảm hứng. 
Tiếp theo mình đặt mục tiêu là viết liên tiếp trong khoảng 6 tháng và công khai những bài viết đó trên mạng xã hội cùng một vài nền tảng viết lách.Trong hơn 2 tháng đầu tiên thì việc liên tục hành động (viết mỗi ngày) đã không đem tới kết quả đột phá. Nhưng đổi lại mình đã có trong tay một số lượng bài viết để thu hút được một số lượng người đọc. Không nhiều nhưng còn tốt hơn là không gì. Đến cuối tháng thứ 3 và đầu tháng 3 thì ít nhất có 5 bài viết của mình tạo ra được hiệu ứng viral và khiến cho lượng người đọc gia tăng gấp ba lần. Như vậy việc ra quyết định và hành động dựa trên cái mình CÓ THỂ làm được ngay lập tức là viết và chia sẻ đến với người đọc đã đem tới kết quả là nhiều bạn đã biết tới mình hơn trong lúc này. Và mình chỉ mất có ba tháng thay vì nửa năm như tính toán ban đâu. 
Điều này có nghĩa rằng HÀNH ĐỘNG là thứ mình có thể kiểm soát khi đưa ra quyết định chứ không phải KẾT QUẢ.  quả có thể thay đổi bằng những quyết định và hành động sau đó. Nhưng sẽ chẳng có kết quả để đo lường và phản hồi nếu bạn không đưa ra được quyết định. Và viết quyết định rồi hành động có thể nói rằng đã chiếm lấy một nửa sự thành công của bạn chứ không cần phải chờ đợi tới kết quả.
Còn bây giờ là lúc chúng ta quay trở lại với trận đại chiến Thái Bình Dương tiếp theo giữa Nhật Bản và Mỹ - Trận Midway.
Nhật Bản đã dành ưu thế trong thời gian đầu cuộc chiến nhờ quyết định táo bạo của Yamamoto Isoroku.
Còn ở giai đoạn phía sau lại đến lượt Mỹ nắm quyền chủ động và liên tiếp dành chiến thắng. Kết quả này đến từ những quyết định đầy quyết đoán của hải quân Mỹ dưới sự lãnh đạo của Chester Nimitz
Trước khi trận Midway diễn ra thì Nimitz đã đưa ra hai quyết định hoàn toàn chính xác dù rằng có sự mơ hồ và không thể ở đây.
Thứ nhất Nimitz tin tưởng vào kết quả của đội tình báo khi đưa nhận định sau khi giải mã được mật mã của quân Nhật rằng mục tiêu tiếp theo của Nhật là Midway, trong khi phía quân đội ở Washington cho rằng mục tiêu của Nhật là ở phía khác. Giữa những lựa chọn khó khăn nhưng Nimitz vẫn đưa ra quyết định là tin vào đội tình báo của ông. Vì thế Nimitz và lãnh đạo hạm đội đã lên kế hoạch mai phục quân Nhật ở Midway. 
Thứ hai để đạt được cơ hội chiến thắng cao nhất có thể thì Nimitz đã yêu cầu tập hợp tất cả máy bay của Mỹ ở Thái Bình Dương để tham gia trận chiến này. Ngoài ra Nimitz ra lệnh cho hải quân phải sửa chữa tàu sân bay Yorktown vốn đang bị hư hỏng nặng nề sau khi trúng bom của Nhật trong vòng 3 ngày, điều mà hải quân chỉ có thể đáp ứng được ít nhất sau 3 tháng. Hải quân nói rằng đó là điều không thể nhưng Nimitz đáp lại là “Tôi đã quyết định rồi! Các anh làm bằng cách nào thì làm. Kể cả lát ván gỗ để bịt lỗ thủng trên tàu nhưng làm nó hoạt động được thì cứ làm”. Và họ đã làm được.
Kể cả đã chuẩn bị một cách tốt nhất có thể đến như vậy thì hải quân Mỹ vẫn có số tàu chiến và tàu sân bay ít hơn so với quân Nhật. Đổi lại Mỹ lại có số máy bay vượt trội trên cả mặt đất lẫn trên biển để tấn công hạm đội Nhật. Kết quả là Mỹ đã chiến thắng oanh liệt trong trận Midway và rửa được nỗi nhục Trân Châu Cảng. Quân Mỹ đánh chìm cả bốn tàu sân bay của Nhật ở Midway chưa kể nhiều tàu chiến khác. Quân Nhật thiệt hại về mặt con người lên tới gần 3000 – gấp 10 lần quân Mỹ. 
ảnh minh hoạ máy bay Mỹ đánh chìm tàu sân bay Nhật trong trận Midway
ảnh minh hoạ máy bay Mỹ đánh chìm tàu sân bay Nhật trong trận Midway
Ngược lại với những quyết định chớp nhoáng và đúng đắn của Nimitz (mai phục sẵn ở Midway, chiếm ưu thế máy bay) thì quân Nhật lại do dự và chần chừ trong chính việc đưa ra quyết định. Điển hình nhất phó đô đốc hạm đội Nhật Chuichi Nagumo khi đã bỏ lỡ ít nhất ba thời cơ để ra đánh chìm hạm đội Mỹ. Không chỉ chần chừ mà Nagumo còn ra một loạt quyết định tai hại khi bị quá tải trước một loạt thông tin trinh sát đem về: 
1.  Nagumo ra lệnh phải chờ phi đội máy bay đầu tiên trở về thì mới tung lực lượng tiếp theo ra. Điều này khiến cho hơn các máy bay được trang bị vũ khí phải chờ đến lượt xuất kích.
2.  Trước đó Nagumo cũng đã đưa ra một quyết định khác là thay bom thông thường bằng ngư lôi để oanh kích hạm đội Mỹ khiến cho thời gian cất cánh bị kéo dài. 
3.  Nếu Nagumo tuân lệnh Yamamoto Isoroku rằng phải trang bị một nửa ngư lôi cho phi đội máy bay thì quân Nhật đã xuất kích và oanh kích hạm đội Mỹ. Tuy nhiên Nagumo đã trái lệnh và ra quyết định lắp đặt bom thông thường cho toàn bộ máy bay vì cho rằng hạm đội Mỹ sẽ không đến kịp để ứng cứu Midway. 
Kết quả sau một loạt các quyết định sai lầm đến từ sự do dự và thiếu quyết đoán của Nagumo đã dẫn tới việc tàu sân bay và máy bay của Nhật bị đánh chìm ngay lập tức khi máy bay Mỹ oanh kích mà chưa kịp cất cánh hay thả một trái bom nào. Những sai lầm nhỏ tạo thành một sai lầm lớn: Quân Nhật đại bại trận Midway, không bao giờ lấy lại ưu thế nữa và một thời gian sau thì Nhật Bản đầu hàng.
NHỮNG CÁCH CẢI THIỆN ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH NHANH CHÓNG
Một quyết định quyết đoán khi nhìn từ góc độ vi mô hay vĩ mô đều góp phần rất lớn trong việc đạt được kết quả. 
Vì thế việc cải thiện được khả năng ra quyết định sẽ giúp cho mọi mục tiêu của bạn nhanh chóng đem lại kết quả. Đó là những kết quả đến từ những cái cơ bản nhất cho tới kết quả của những mục tiêu tham vọng. Có một quy luật bất biến như thế này: bạn hoàn thành những việc nhỏ thì bạn cũng sẽ hoàn thành những việc lớn. Và nhỏ hay lớn đều đến từ hành động mau chóng đến từ những quyết định quyết đoán.
Một trong những cách mình thấy hiệu quả trong việc ra quyết định theo kinh nghiệm của cá nhân mình là viết những mục tiêu trong ngày như đọc, viết, tập luyện, đọc email công việc hay thiền định ra giấy. Như thế mình sẽ có ít nhất 5 hoặc 6 mục tiêu trong ngày để hoàn thành. Những mục tiêu này lấp kín thời gian của mình và tất cả đều có giá trị lâu dài để lặp lại mỗi ngày. Mình nhận ra rằng càng thực hiện những mục tiêu này mỗi ngày thì mình càng nhận được nhiều lợi ích không thể đo đếm. 
Nhưng mình cũng là một con người, cũng chịu sự điều khiển của cảm xúc và sự không ngờ trong hoàn cảnh. Mỗi khi một ngày khó chịu hoặc không mong muốn diễn ra, thì chắc chắn mình sẽ không thể hoàn thành từng đó mục tiêu. Nhưng thay vì buông xuôi và chờ đợi một mạch cảm xúc tốt hơn thì mình vẫn ra quyết định bám víu vào những mục tiêu trong ngày. Dù ít dù nhiều thì mình phải thực hiện những mục tiêu đó bằng mọi cách có thể. Và việc đó buộc mình phải ra quyết định nhanh chóng – làm thứ dễ nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Đó có thể là đi bộ để đạt được 10.000 bước mỗi ngày. Đó có thể là viết ra dòng chữ đầu tiên rồi bỏ đấy. Hay đó có thể đọc một cuốn sách cho tới hết ngày. Một điều vô cùng dễ dàng với mình. Cuối cùng thì một danh sách những việc cần làm sẽ giúp cho bạn đưa ra được quyết định khi bản thân mất đi phương hướng và khả năng kiểm soát thời gian lẫn sự tập trung. 
Cách thứ hai là mình sẽ đưa ra những quyết định không làm gì trong ngày để đạt được mục tiêu là làm những việc cần làm. Đó là dù dậy muộn hay mưa bão nhưng mình không cho phép bản thân được ở nhà mà phải phi lên ngay quán cà phê để ngồi. Ở quán cà phê, mình sẽ không ngủ được nữa, thay vào đó mình chẳng còn cách nào khác là phải thực hiện những thói quen thường ngày khi lên cà phê là viết và đọc. Và cũng để viết và đọc hiệu quả thì mình giới hạn thời gian sử dụng internet để đạt được kết quả tốt nhất. Ví dụ mình dự tính đọc 10 cuốn sách 1 tháng, 1 ngày đọc ít nhất 100 trang thì chỉ cần xao nhãng lướt điện thoại 20-30 phút sẽ dẫn tới việc không đạt được số trang sách tối thiểu cần đọc. Vì thế để bảo toàn thời gian và mục tiêu trong ngày thì mình sẽ KHÔNG LÀM những thứ gây ảnh hưởng đến thời gian và những mục tiêu đó. 
Cách thứ ba là ngay sau khi mình đã để bản thân vượt tầm kiểm soát như ngủ quá giờ, lướt net quá nhiều, bỏ bê việc chạy bộ thì ngày hôm sau mọi hậu quả ngay lập tức sẽ dồn dập ập xuống mình. Mình không có bài để chia sẻ. Mình không đọc được một trang sách mới nào và lưng mình ê mỏi vì ngồi quá nhiều. Tất cả những sự khó chịu này khiến mình nhận ra rằng: thà khó chịu, thà đau đớn và mệt mỏi hơn là cảm giác bất lực và vô giá trị.
Những bài viết trong tệp file Everyday trong laptop của mình
Những bài viết trong tệp file Everyday trong laptop của mình
Điều mình kinh ngạc là sau khi quay lại với hành vi và thói quen đúng đắn vào ngày hôm sau thì sự khác biệt nằm ở việc mình đã chần chừ và do dự trong việc ra quyết định. Mình càng trì hoãn việc ra quyết định thì mình càng không kiểm soát được ý chí, sự tập trung và những gì mình có thể thực hiện được ngay lúc đó.
Ngược lại thì trong những buổi tối muộn khi uống cà phê và trà nhiều đến mức mình không có cảm giác buồn ngủ, thì thay vì cố gắng ngủ hay lướt net để khiến mắt mỏi rồi chìm vào giấc ngủ thì mình quyết định viết một cái gì đó. Một cái gì đó nhanh chóng biến thành một truyện ngắn hoặc một bài viết rất chất lượng từ nội dung cho tới số chữ. Sau khi mình hoàn thành thì cũng đã gần 5 giờ sáng, nhưng mình không hề mệt mỏi. Trái lại mình chỉ chợp mắt một lát rồi 8 giờ sáng lại quay lại với nhịp điệu và dòng chảy tập trung kì diệu đó. Tất cả đều đến từ những quyết định chớp nhoáng nhưng hiệu quả.
Việc ra quyết định bất chấp kết quả không phải là bỏ qua đúng sai. Lợi thế của việc ra quyết định là giúp bạn bảo lưu ý chí và sự tập trung cho một mục tiêu. Có quá nhiều mục tiêu trong ngày, trong khoảnh khắc này khiến bạn bị phân tán và rồi thường đưa ra những quyết định không hiệu quả.
Trái lại việc quyết định chớp nhoáng sẽ giúp bạn lựa chọn được một mục tiêu phù hợp nhất với bạn ngay bây giờ. Đó có thể không phải là mục tiêu tốt nhất hay hứa hẹn nhất, nhưng điều đó có thể cải thiện ở mức vi mô khi bạn liên tục tối ưu, đo lường và cải tiến bằng những phương pháp của bản thân để khiến mục tiêu ban đầu trở thành mục tiêu NHẤT của NHẤT ở tầm vĩ mô. 
Vi mô có thể biến đổi vĩ mô.
Một quyết định ngay bây giờ hiệu quả hơn nhiều lần so với một quyết định hoàn hảo nhất.
Và khi bạn đã đưa ra quyết định và hành động thì coi như bạn đã đạt được một nửa kết quả rồi. 
Photo: Những bài viết trong tệp file Everday trong laptop của mình.