Bạn đang cảm thấy mệt mỏi về cuộc sống hiện tại? Bạn đang phải chịu đựng nhiều vết thương lòng không thể nào lành lại? Bạn dang tuyệt vọng và không tìm thấy lối thoát? Tất cả như những ám ảnh, những sang chấn tâm lý tồn tại sâu ẩn trong tâm trí bạn…Và cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo” của tác giả Hae Min dường như được viết ra dành riêng cho bạn đấy – những tâm hồn đang đau khổ và tuyệt vọng trong thế giới này!
Khi đọc đến tựa đề “Yêu những điều không hoàn hảo”, tôi lại thấy có một ấn tượng. Bởi câu hỏi về “thế nào là nhữnng điều không hoàn hảo” lại bất giác xuất hiện trong tâm trí tôi. Trong khi ngày nay, xã hội càng ngày càng hiện đại cùng với quá nhiều đòi hỏi, có cả áp lực “phải làm người hoàn hảo”. Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta lại đầy rẫy những điều không hoàn hảo. Từ lời nói, hành động, chuyện học hành hay công việc…bản thân mỗi người luôn có những lúc vụng về, mâu thuẫn, không mấy suôn sẻ. Và khi ta nhìn ra xung quanh, người thân, bạn bè cũng ở trong tình trạng như vậy, với những lời than vãn về tiền bạc, sức khỏe, con cái không nghe lời…Xã hội cũng không ngừng xảy ra những sự cố bắt nguồn từ những bất hòa. Nhưng để sống với những điều đó, bạn phải học cách yêu lấy nó. Đó là điều mà tác giả muốn gửi cho chúng ta qua cuốn sách này.
Về tác giả, Đại đức Hae Min là một người xuất gia được đông đảo độc giả trẻ Hàn Quốc tin tưởng và ủng hộ. Ở Việt Nam, ông được khá nhiều bạn đọc biết tới qua cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”. Và một cuốn sách nữa của Đại đức Hae Min tiếp tục đến với độc giả Việt ta với tựa đề “Yêu những điều không hoàn hảo”.
Đây thật sự là một cuốn sách rất đặc biệt. Trong đây có những câu chuyện, có những chia sẻ và có những cảm xúc nhưng trên hết quyển sách là một khúc ca nguyện cầu về sự bình an. Cuốn sách gồm 8 chương với 8 chủ đề, mỗi chủ đề sẽ có những lời khuyên, lời động viên, tuy rất ngắn nhưng lại khiến bản thân chúng ta phải suy ngẫm thật lâu. Dường như đây không phải là một cuốn sách mà ta có thể đọc vội vàng trong một buổi chiều nào đó mà qua từng ngày ta đọc từng chút một, ngẫm lại thật lâu và thật sâu để cảm nhận bản thân và cuộc sống. Từ đó, ta sẽ nhìn thấy một lối thoát cho bản thân từ trong tâm hồn của chính mình.
Quyển sách này gồm 8 chương với các chủ đề là Yêu bản thân, Những mối quan hệ, Sự đồng cảm, Dũng khí, Gia đình, Chữa lành, Bản tính và Chấp nhận. Ở mỗi phần gồm những dòng thơ ngắn hoặc những câu viết vô cùng chân thật mà tác giả muốn cùng thủ thỉ với độc giả. Tuy chỉ có vài câu đơn giản, nhẹ nhàng nhưng vô cùng ấm áp. Có những ngày mệt nhoài, trở về nhà, đọc vài câu thơ mà ta có thể sẽ thấy được nghỉ ngơi, an lòng vô cùng.
Khi tôi dạo đầu mục lục, tôi đã rất thắc mắc tại sao tác giả bắt đầu từ việc “Yêu bản thân”. Bởi “Khi bạn tự biết trân trọng bản thân. Thế gian cũng sẽ bắt đầu trân trọng bạn”. Vì vậy, để được trân trọng, ta phải bắt đầu từ yêu lấy bản thân ta “như người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất của mình”.
Đến với “Những mối quan hệ”, bạn có bao giờ đòi hỏi phải có ai đó cực kỳ đặc biệt xuất hiện và lấp đầy những khoảng trống trọng mình. Nhưng không, bản thân mỗi người chúng ta cần tự hoàn thiện bản thân trước và rồi người phù hợp sẽ xuất hiện bên cạnh ta. Chỉ có vậy mới đủ để tồn tại một mối quan hệ lâu bền và gắn bó “như hai vằng trăng rằm cùng sáng trong và tròn trịa, cùng tôn trọng cá tính, sở thích của nhau và cùng chiếu sáng trên một bầu trời”.
Viết tiếp sau “Những mối quan hệ”, một yếu tố cũng vô cùng cần thiết, gắn bó một mối quan hệ lâu dài là “Sự đồng cảm”. Vậy theo bạn, thế nào "Sự đồng cảm”? Với tôi, đó là giữa hai hoặc nhiều người có chung một dòng cảm xúc, có chung những suy nghĩ mà có thể cùng cảm nhận và chia sẻ với nhau để những nỗi đau, vất vả đó phần nào nhẹ nhõm hơn. Và bỗng dưng ta lại thắc mắc một điều là vì sao ta lại phải đồng cảm và chia sẻ? Bởi khi bạn vấp ngã, khi bạn thất bại hay khi bạn mắc phải những sai lầm trong cuộc sống thì bạn cần có một người lắng nghe bạn và mong rằng người đó sẽ đồng cảm với tâm trạng của mình, giúp đỡ mình vượt qua nó. Và “nếu bạn yêu ai đó, bạn hãy chịu đựng đến cùng”.
Tác giả lại viết tiếp chương “Dũng khí”, chương để giúp bạn có thêm sức mạnh để vượt ra khó khăn trong cuộc sống. Đọc đến đây, tôi suy nghĩ đã nhiều lần mình vô cùng nhút nhát, không dám đối diện với sự thật, nhiều lúc không dám nhận sai, nhiều lúc lại không thể tha thứ, bao dung cho một người. Bởi có lẽ tôi còn chưa đủ dũng khí để nhìn nhận nó, chưa tự thoát ra căn phòng tối tăm trong cảm xúc của mình. Nhưng từ khi tôi đọc chương này, tôi đã ngộ ra nó, ngộ ra sự thiếu dũng khí trong bản thân mình. Và tôi dần học cách cảm nhận nó, chấp nhận và bao dung nó. “Dũng khí như ánh sáng loé lên trong tăm tối”. Vậy bạn có bao giờ đủ dũng khí để bước ra căn phòng tăm tối của bản thân mình chưa? Tôi mong bạn có thể ngộ ra và làm được như tôi.
Mỗi người chúng ta đều được sinh ra và lớn lên ở một nơi gọi là “Gia đình”. Vậy “Gia đình” trong bạn là như thế nào? Với tác giả, tại sao “Gia đình là tình yêu đầu tiên của tôi và cũng là vết thương đầu tiên của tôi”? Bởi gia đình là nơi khởi đầu của những yêu thương, cũng là nơi bắt nguồn của những bất hoà trong cuộc sống. Yêu thương là khi bạn có thể thấu hiểu nhau nhưng khi không còn thấu hiểu thì bạn sẽ không thể bao dung và bất hoà sẽ xảy đến ở ngay chính gia đình bạn. Có bao giờ bạn không hiểu về cha mẹ mình hay chưa nhận được sự thấu hiểu từ anh chị em trong gia đình? Có lẽ ta mệt mỏi vì vừa thấy yêu lại vừa thấy ghét cha mẹ mình, đừng phủ nhận mà hãy tiếp nhận cảm xúc đó. Và hãy vun đắp nó bằng những cảm xúc yêu thương và thấu hiểu.
Khi tôi bị thương, điều khó khăn nhất là việc chữa lành. Bởi dòng sông không thể trong được nếu nơi đầu nguồn còn vẩn đục, người ta chưa thể thương được bản thân khi vẫn còn để những suy nghĩ tổn thương đến mình của ngày mai. Vì vậy, muốn chữa lành vết thương, bạn phải chấp nhận nỗi đau đớn một lần rồi mới có thể từ từ bớt đau dần cho đến khi không còn đau nữa. Dù sao này chúng ta có bị tổn thương lại thì sẽ không còn đau đớn như lúc ban đầu. “Chữa lành là đối diện với ánh mắt của lòng từ bi”.
Người Việt ta xưa có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính có dời”. Tại sao lại nói như vậy? Trong chúng ta, có người tốt có người xấu nhưng rõ ràng từ khi sinh ra, đứa em bé nào cũng có bản tính trong sáng, lương thiện. Vì vậy, khởi nguồn của mỗi con người sinh ra đã lương thiện thì tại sao lại trở nên xấu xa như vậy? Bởi họ đã lãng quên bản chất thật sự của mình như tác giả đã viết “Bản tính – lòng thức tỉnh giữa thanh tịnh”. Có lẽ họ không thật sự xấu xa như vậy mà là chưa có gì làm họ thức tỉnh trở lại thành bản tính tốt, lương thiện của mình.
Cuối cùng, Đại đức Hae Min đã kết thúc bằng sự “Chấp nhận”. Chấp nhận những đau khổ, chấp nhận những mất mát, chấp nhận những cảm xúc bên trong của mình và chấp nhận những điều không hoàn hảo của cuộc sống. Qua đó, bạn học được cách chấp nhận rằng sống là có được cũng có mất, có gặp gỡ cũng có chia chia ly, có yêu thương cũng có ghét bỏ, có nhớ nhung cũng có quên lãng. Vì vậy, hãy “chấp nhận bản thân như mình vốn vậy”.
Cuốn sách kết thúc với một lời gửi gắm đến độc giả, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Chúng ta không cần phải hoàn hảo mới được yêu quý. Hãy cứ là chính mình bởi sự tồn tại của bạn đã là một món quà. Tôi nghĩ bạn không nên bỏ qua cuốn sách này. Bạn có thể để lên đầu giường và giở nó ra đọc mỗi tối khi còn thao thức. Từng câu từng chữ trong cuốn sách đều nên đọc đi, đọc lại để suy ngẫm.
Một cuốn sách không quá dày cũng chẳng quá ngắn. Vừa đủ để thấm, vừa đủ để cho bản thân khoảng không nghỉ ngơi. Và cũng đủ để nhìn nhận lại những điều còn lấp lửng đó chẳng có câu trả lời. Với một giọng văn gần gũi, ấm áp, cuốn sách đã chiếm trọn tình cảm của tôi ngay từ khi đọc những trang đầu tiên cho đến những trang cuối cùng. Cuốn sách đã cho tôi thấy nhiều góc nhìn mới về cuộc sống hiện đại và giúp tôi suy nghĩ phóng khoáng hơn nhiều.