Đây là bài nói chuyện của tôi ở diễn đàn YouthSpeak 2019. Diễn đàn này được AIESEC Đà Nẵng tổ chức hai năm một lần. Chủ đề của năm nay là Thế giới Phẳng, và AIESEC muốn tôi nói về chủ đề "Những yêu cầu của công dân toàn cầu." Sau đây là cố gắng của tôi để giữ cho 300 bạn trẻ không ngủ gật vào sáng Chủ nhật vừa rồi. 


Tôi tên là Linh. Linh là một cái tên rất đúng mốt nếu bạn sinh ra vào khoảng cuối 8X đầu 9X. Hồi cấp 2, lớp tôi có 7 Linh. Mỗi lần tôi muốn kiểm tra xem mình đã già chưa, tôi lại ngồi nhẩm lại tất cả những người tên Linh ấy.
Nên khi AIESEC Đà Nẵng gọi điện mời tôi làm diễn giả cho diễn đàn YouthSpeak về chủ đề công dân toàn cầu, tôi cứ nghĩ họ nhầm tôi với một Linh nào đấy khác. Vì nếu bạn hình dung công dân toàn cầu là một người cứ vài hôm lại xách ba lô lên và đi khắp năm châu bốn biển, thì tôi không giống như thế. Hầu hết thời gian là tôi ở nhà. Vài ba hôm tôi cũng xách ba lô lên và đi, mà là đi ra quán cà phê đầu phố, cách nhà có năm chục mét thôi. Tại vì hàng xóm nhà tôi họ đang sửa nhà nên tôi mới phải đi tránh ồn.
Vậy tôi làm thế nào để làm một công dân toàn cầu từ trong phòng khách nhà mình, hay là hôm nào ồn quá thì từ một quán cà phê ở Đà Nẵng?

Câu trả lời là: mạng Internet.

Công việc hiện nay của tôi là người viết tự do. Gọi sang chảnh thì là freelancer. Gọi thật thà thì là viết các thứ rồi đăng lên mạng.
Nhờ có mạng Internet mà tôi có thể làm việc ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Có những thời điểm tôi làm việc với một nhóm ở 6 múi giờ khác nhau. Khổ cái là Trái Đất nó biết quay, nên lúc mình ngủ thì ở đâu đấy vẫn là ban ngày và vẫn có người thức làm việc. Thành ra có những lần ngủ dậy mở điện thoại lên thấy vài trăm cái tin nhắn.
Nhờ có mạng Internet mà cả tôi và các bạn đều không có lý do gì để ngừng học hỏi cả. Bây giờ trên mạng có vô số các nguồn tài nguyên. Bất cứ cái gì bạn không biết, bạn đều có thể tìm trên mạng. Bất cứ cái gì bạn muốn học, bạn đều có thể học trên mạng. Hoàn toàn miễn phí. Đây tôi có một vài ví dụ về những thứ bạn có thể học miễn phí trên mạng:

Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ

Làm thế nào để gấp ga chun cho đúng cách 

(Ga chun là cái ga có chun để bọc nệm mà mỗi lần gấp là bạn lại vo nó thành một mớ bùng nhùng ấy.)

Khoa học về bia

Làm thế nào để biến mình thành hóa thạch?

Và tôi thích nhất là: 

Ứng dụng toán học để trở thành hiệp sĩ đường phố 

Tôi đưa ra những ví dụ này không phải là để khuyên bạn đi học những thứ tào lao, dù tôi phải nói là tôi sẽ rất ngưỡng mộ nếu bạn nào ở đây quyết định học toán để trở thành hiệp sĩ đường phố. Mà ở đây tôi muốn chỉ ra rằng mạng Internet thực sự đã trở thành một kho kiến thức cực kỳ dồi dào. Bạn muốn gì, trên mạng đều có hết. Bạn chỉ cần có 2 thứ để tận dụng cái kho này: một là tiếng Anh, và hai là một cái đầu mở.
Nếu mạng Internet là một cái kho kiến thức thì tiếng Anh là chìa khóa vào cái kho đó.

Một khi bạn có tiếng Anh thì những thứ này giống như đại tiệc kiến thức mà vào cửa tự do vậy. Nhiều như thế này mà lại miễn phí, tội gì mình không dùng.
Nên là đừng học tiếng Anh chỉ để thi, dù là thi học kỳ hay là thi IELTS hay TOEFL. Hãy học tiếng Anh để vượt rào. Có tiếng Anh là bạn đã xóa đi rào cản ngôn ngữ giữa mình và thế giới.
Đừng kêu là tiếng Anh khó quá, em không có năng khiếu, em không học nổi. Tôi đảm bảo là 100% các bạn ngồi ở đây đều có năng khiếu ngôn ngữ hết. Viện Ngoại giao Mỹ có một hệ thống phân loại ngôn ngữ dựa trên mức độ khó, mức 1 là dễ nhất và mức 5 là khó nhất. Tiếng Việt thuộc về mức 4. Tiếng Việt khó thế mà 2 tuổi các bạn đã nói được rồi, thì bây giờ sợ gì không học được tiếng Anh?

Giờ hãy nói về cái đầu mở.

Terry Pratchett, một trong những nhà văn mà tôi yêu thích nhất, đã từng viết thế này.

Từ “neoteny” có nghĩa là “trẻ mãi.” Đó là một đặc tính sinh tồn của loài người chúng ta. Những loài động vật khác, khi chúng còn nhỏ, chúng thường tò mò về thế giới, chúng có khả năng phản ứng linh hoạt, và chúng thích chơi đùa. Những tính cách này mất đi khi chúng lớn lên. Ở mức độ loài, con người chúng ta giữ lại những đặc điểm ấu thơ đó. Ở mức độ loài, con người chúng ta lúc nào cũng thò tay vào ổ điện của Vũ trụ để xem cái gì sẽ xảy ra. Đặc tính này hoặc sẽ cứu giúp chúng ta, hoặc sẽ giết hại chúng ta, nhưng hỡi ôi, đó là thứ khiến chúng ta thực sự là người.

Tôi rất thích từ này, vì nó nói rằng tôi là người trẻ lâu, trẻ mãi không già.
Một cái đầu mở, hay tò mò, biết linh hoạt, là thứ mà con người chúng ta ai cũng có, nhưng chúng ta có dùng tới hay không thôi. Hồi còn nhỏ thì ta rất hay thắc mắc này nọ, Vì sao trời lại xanh?, Vì sao cá lại bơi?, Vì sao con không được ăn hết hũ kẹo này?... Nhưng khi lớn lên thì ta lười hỏi hơn, vì nhiều lý do, như sợ bị ba mẹ mắng là hỏi gì mà hỏi lắm thế, hay là quá bận chơi điện thoại, nhắn tin, dạo Facebook nên không còn tâm trí đâu mà tò mò về thế giới nữa, hoặc là vì cảm thấy trí tò mò chẳng có cái công dụng gì trong cuộc sống cả. Bạn không thể ghi vào phần “Điểm mạnh” trong CV của mình là “Cực kỳ hay tò mò.” Nghe nó sai sai. 
Nhưng bạn hoàn toàn có thể ghi vào CV của mình những cụm từ như là “thích khám phá,” “ưa sáng tạo,” hay là “có tư duy mở.” Đây đều là những biểu hiện của một cái đầu mở, một cái đầu biết tò mò và biết linh hoạt như một đứa trẻ.
Nói về những yêu cầu của một công dân toàn cầu, nếu tôi phải chọn ra chỉ một yêu cầu thôi, thì đó sẽ là cái đầu mở. Những thứ khác sẽ tự theo sau.

Chỉ khi nào đầu bạn mở thì bạn mới muốn đi ra thế giới mà xem những cái mới lạ. Dù bạn đi ra thế giới theo kiểu gì đi nữa — bằng máy bay, xe buýt hay là bằng cách ngồi nhà search mạng — thì hãy nhớ mang theo đầu mình. Cái này nằm trên cổ nhưng nhiều người hay quên lắm. Biểu hiện của việc quên đầu ở nhà là gì nào? Đi mà chỉ chăm chăm chụp ảnh check in sang chảnh lồng lộn mà không tìm hiểu gì về những nơi mình đi qua. Hay là ôm điện thoại mười mấy tiếng một ngày nhưng lại không học được thêm một cái gì mới cả.
Chỉ khi nào đầu bạn mở thì bạn mới biết tôn trọng sự khác biệt. Cụm từ “công dân toàn cầu” vốn dùng để chỉ những người tin rằng mình không chỉ mang quyền lợi và nghĩa vụ công dân của một địa phương hay một đất nước nào, mà họ coi quốc tịch của họ là “nhân loại.”
Công dân toàn cầu coi mình là một thành viên của loài người, và tất cả  những con người khác đều là anh em và bạn bè của mình, bất kể quê quán,  tôn giáo, giới tính, có thích uống trà sữa hay là không...

Làm được điều này không dễ, ai đã từng đi đấu khẩu trên mục comment trên Facebook đều sẽ hiểu. Lúc khói bốc lên đầu thì chỉ muốn thò tay qua màn hình tóm cổ người bên kia mà lắc, chứ còn anh em bạn bè cái gì.
Con người thì rất là đa dạng, mỗi người một cách sống, mỗi người một cách nghĩ, sẽ chẳng bao giờ có chuyện tất cả mọi người đều giống hệt bạn và đồng ý với bạn. Nhưng bạn tiếp nhận những khác biệt ấy thế nào? (Loại trừ phương án bóp cổ người ta nhé.)

Tôi là một biên tập viên. Công việc này tức là tôi nhận những bài viết hay bài dịch của người khác, rồi tôi sửa lại. Có một quy tắc ngầm trong ngành xuất bản, bất kể là bạn viết hay dịch thể loại gì, đấy là “Người viết luôn ghét người biên tập.”
Ghét chứ, công sức mình bỏ ra như thế, tự nhiên bây giờ bị người khác chặt chém, chỉnh sửa, phản đối này kia. Đứa con tinh thần của mình bị vùi dập vậy, ai mà không ghét?
Nhưng thực ra người biên tập gạch xóa chặt chém sửa chữa như vậy không phải là để làm tổn hại tinh thần cho tác giả hay dịch giả. Họ làm vậy là để cho bản thảo đó trở nên tốt hơn. Bài viết đó đúng là không phải là đứa con tinh thần của biên tập viên, và cũng chính nhờ thế mà họ không bị bệnh “mẹ hát con khen hay.” Họ có cái nhìn khách quan hơn, dễ nhìn ra những chỗ sai, những chỗ có thể cải thiện hơn. Khi các tác giả và dịch giả hiểu điều này thì họ dễ dàng chấp nhận việc bị biên tập hơn. Tất nhiên là họ vẫn ghét biên tập viên. Con người mà, sống phải có cảm xúc yêu ghét chứ.
Vậy nên khi bạn bị chê, hãy tiếp nhận với một cái đầu mở. Tôi không nói bạn nên ba phải, gió chiều nào che chiều đó, vì cũng có nhiều lời chê vô duyên không đâu mà bạn không cần phải tiếp thu. Nhưng ngay cả những lời chê vô duyên không đâu đó cũng là một cơ hội để bạn phát triển bản thân mình.
Gần đây tôi có xem một TED Talk có tựa đề là Thấu cảm không có nghĩa là tán thành.

Diễn giả Dylan Marron của bài nói chuyện này là một vlogger. Anh ấy làm videos về những chủ đề như là LGTBQ, hay phân biệt sắc tộc… Mà làm về mấy cái chủ đề này thì dễ bị ghét lắm. Khi những video càng trở nên nổi tiếng thì Dylan Marron nhận được càng nhiều những bình luận đầy thù ghét, kiểu bình luận làm bạn muốn thò tay qua màn hình ấy.
Nhưng Dylan Marron thì chọn một cách hành động khác. Biết anh đó làm gì không? Anh ấy gọi cho những người đã bình luận thù ghét đó rồi… phỏng vấn họ. Khi làm việc này thì anh ấy nhận thấy là mình có thể thấu cảm với những người mà mình đã từng muốn bóp cổ kia, và như anh ấy nói, “thấu cảm không có nghĩa là tán thành.”

Thấu cảm là hiểu và thông cảm với người khác. Đó là khi bạn nhìn ra đằng sau những dòng bình luận bất đồng, thậm chí là thù ghét, để thấy có một con người ở đó. Bạn không nhất thiết phải tán thành quan điểm của họ. Bạn chỉ đang chấp nhận thực tế là người đó có hoàn cảnh khác mình, được nuôi dạy khác mình, họ suy nghĩ khác mình. Để có thể tiếp cận và thảo luận sâu hơn với những người khác mình, thì điểm xuất phát là biết thấu cảm.
Vì sao chúng ta lại muốn đi thảo luận với những người khác mình, thậm chí là ghét mình? Bởi vì thứ nhất, nếu bạn muốn thay đổi họ, thì đương nhiên bạn phải đi nói chuyện với họ. Thứ hai, nếu bạn chỉ sống giữa những người suy nghĩ giống hệt mình thì dần dần bạn sẽ tự nhốt mình trong một cái hang mà đâu đâu cũng chỉ vang vọng quan điểm giống y hệt bạn thôi. Bạn sẽ không bao giờ học được cái gì mới hết. Biết đâu bạn mới là người sai thì sao? Biết đâu bạn mới là người cần thay đổi?
Vì thế, khi gặp phải những thù ghét và bất đồng, hãy coi đó như cơ hội để rèn luyện lòng thấu cảm và cái đầu mở của mình.

Khi bạn biết mở lòng mình để hiểu và tôn trọng người khác, thì bạn cũng sẽ có trách nhiệm với thế giới này hơn. Trái ngược với thấu cảm không phải là ghét bỏ, mà là thờ ơ. Thờ ơ rất nguy hiểm, bởi vì một cái đầu thờ ơ thì sẽ coi những việc như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo, bất bình đẳng giới… là việc của người khác, chẳng liên quan gì đến mình. Mà công dân toàn cầu là những người mang quốc tịch “nhân loại.” Họ không thể thờ ơ với những vấn đề của nhân loại được.
Trong kiểu tư duy cũ thì việc tự nguyện gánh vác trách nhiệm với thế giới không được coi trọng lắm. Bạn sẽ nhận được những danh hiệu như là “rỗi hơi,” hay “vác tù và hàng tổng,” hay thậm chí là “anh hùng rơm.” Tôi biết có nhiều bạn trẻ phải giấu ba mẹ nếu muốn đi làm những việc tình nguyện, bởi vì những việc này chẳng có lợi ích vật chất gì trước mắt cả.
Nhưng những bạn trẻ đó đã ý thức được rằng có những lợi ích không tính bằng vật chất trước mắt. Họ muốn được sống trong một thế giới mà lòng tốt được trao đi không cần cân đo đong đếm. Một thế giới mà con người được bình đẳng, môi trường được bảo vệ, và những điều tốt lành được giữ gìn bền vững. Tôi chắc chắn ai cũng muốn sống trong một thế giới như thế, kể cả những vị phụ huynh phản đối con mình đi làm tình nguyện.

Nhưng mà chắc không ai lại đi nói với phụ huynh những điều lãng mạn xa vời như kiểu “con muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn.” Để đương đầu với phụ huynh thì tôi thấy hiệu quả nhất là chỉ ra những lợi ích mà bạn sẽ có được khi đi vác tù và hàng tổng hay là làm việc rỗi hơi này. Ví dụ như những cơ hội mà bạn sẽ có được, hay những kỹ năng mềm mà trong trường lớp không ai dạy cả.
Ba tháng đi tình nguyện sẽ rèn luyện bạn thành một con người rất khác. Đây là lý do vì sao khi các trường đại học ở nước ngoài tuyển sinh, hay khi các nhà tuyển dụng lớn tìm người, thì họ luôn tìm kiếm những ứng viên đã từng đi làm công việc tình nguyện hoặc từng tham gia một công tác cộng đồng nào đó. Tôi đã nghe khá nhiều nhà tuyển dụng nói rằng họ ưu tiên những kỹ năng mềm này hơn cả kiến thức chuyên môn. Bởi vì đào tạo một người về chuyên môn thì dễ dàng hơn nhiều so với việc thay đổi cách suy nghĩ và làm việc của người đó.

Đó là một cách để thuyết phục ba mẹ cho bạn làm việc mà bạn muốn. Tất nhiên là có một cách khác dễ hơn, đấy là giấu biến đi, việc ta ta cứ âm thầm làm.
Khoảng cách thế hệ này cho thấy một điều là thế giới đang thay đổi rất nhanh. Thế hệ ba mẹ chúng ta cho rằng cái quan trọng nhất là công ăn việc làm ổn định, rồi lương cao, rồi thi thoảng đi du lịch thư giãn. Còn thế hệ của chúng ta thì lại tìm kiếm những thứ khác.
Thực ra nếu bạn cũng thích có công ăn việc làm ổn định, lương cao, thi thoảng đi du lịch, thì không có gì sai hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy những thứ đó không đủ để làm mình hài lòng với cuộc sống, thì hãy cứ dũng cảm tự đi tìm con đường của mình.

Có một trang Facebook tên là Humans of New York, chắc ở đây có nhiều bạn biết. Trang này ban đầu là một dự án nhiếp ảnh của nhà báo Brandon Stanton. Anh đó có ý định đi quanh thành phố New York rồi chụp ảnh và phỏng vấn 10,000 người, toàn người rất bình thường: người vô gia cư, người anh tình cờ gặp ngoài công viên…
Năm 2010 thì Brandon 26 tuổi, lớn hơn các bạn ngồi đây một chút. Bây giờ bạn thử tưởng tượng bạn mới ra trường được vài năm, bạn chạy về nhà nói với ba mẹ, con bỏ làm đây, con sẽ đi chụp ảnh và phỏng vấn người vô gia cư, mấy cô ve chai, mấy chú chạy Grab… Ba mẹ bạn liệu có đau tim không?
Thế nhưng sau gần 10 năm thì trang Facebook Humans of New York đã có hơn 18 triệu người theo dõi. Brandon Stanton đã đi chụp ảnh và phỏng vấn ở hơn 20 nước khác nhau. Từ con số 0, anh ấy đã tạo nên một cộng đồng rất tích cực, đầy yêu thương và lòng tốt, ở một nơi rất xô bồ như là mạng xã hội.
Bạn không cần phải trở thành một Brandon Stanton thứ hai. Nếu bạn muốn trở thành một công dân toàn cầu, hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình với một cái đầu mở. Hãy nuôi trí tò mò và lòng thấu cảm. Hãy coi Trái Đất là nhà và tất cả mọi người đều là anh em. Chúng ta chỉ có mỗi một ngôi nhà này thôi. Hãy mơ ước và hành động để làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

Đà Nẵng, 16/06/2019