Gen Z (sinh năm 1996-2012), là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên với internet và điện thoại thông minh, có trải nghiệm rất khác về thế giới so với các thế hệ trước đây. 
Dù sinh ra với những đặc điểm khác biệt, tràn đầy những điểm mạnh nhưng Gen Z không nhận được “đặc ân” nào khi phải đối diện với các cuộc khủng hoảng chung của thế giới (chiến tranh, tài chính,...) và cuộc khủng hoảng riêng mà thế hệ này đang gặp phải - Khủng hoảng căn tính cá nhân. 
Thậm chí, với những điểm mạnh mà Gen Z đang sở hữu đã tạo ra rào cản vượt qua khủng hoảng. Thế hệ này đang mải loay hoay, đắm chìm vào con đường tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, “Tôi sinh ra trên đời này có mục đích gì?”,...Đâu sẽ là cửa thoát hiểm cho Gen Z? 

Căn tính cá nhân và khủng hoảng căn tính 

Căn tính (Identity) là bản sắc, bản vị của một người hay một vật thể. Mỗi người chúng ta đều có một bản sắc riêng được gọi là căn tính cá nhân (personal identity). Hay nói cách khác, căn tính là cách để phân biệt bạn với những người khác, là những đặc trưng để nhận diện bạn trong đám đông.  
Theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (PAP), căn tính  gồm 2 phần chính: 
Tập hợp những đặc điểm cá nhân: Hình thể, tâm lý và cách tương tác với những người khác. 
Tổng hòa các cơ sở thuộc xã hội như dân tộc, tôn giáo,...và các vai trò xã hội.  
Photo by Brett Jordan
Photo by Brett Jordan
Theo nhà tâm lý học xã hội Baumeister, căn tính là những định mà một cá nhân đưa ra về bản thân chính mình. Những định nghĩa này có thể sắp xếp vào 3 khía cạnh 
Khía cạnh cá nhân: Vai trò và những mối quan hệ.
Khía cạnh tiềm năng: Những viễn cảnh bản thân mà người đó muốn trở thành. 
Khía cạnh giá trị: Những tín niệm và sự ưu tiên trong cuộc sống. 
Một cách nói đơn giản hơn, căn tính được xây dựng từ những trải nghiệm, mối quan hệ, niềm tin, giá trị và ký ức của mỗi con người. 
Theo từ điển Oxford, identity crisis (khủng hoảng căn tính) là một dạng khủng hoảng tâm lý, xảy ra khi cảm nhân của một người về bản thân mình (mục đích sống, giá trị con người, tính cách) trở nên không vững chắc, bị lung lay bởi vô số các yếu tố bên ngoài như: Sự thay đổi hoàn cảnh sống, vị trí xã hội, tuổi tác, mối quan hệ. 
Khái niệm này đến từ nhà tâm lý học phát triển Erik Erikson. Ông đưa ra học thuyết cho rằng có 8 giai đoạn phát triển tâm lý trong cuộc đời. Mỗi giai đoạn sẽ xuất hiện sự khủng hoảng, đòi hỏi chúng ta vượt qua một cách lành mạnh để phát triển nhân cách của mình. Cuộc khủng hoảng căn tính thường xuất hiện vào giai đoạn thứ 5, khoảng từ 12-15 tuổi. 
Giai đoạn này mỗi cá nhân thường lo sợ với tất cả những giá trị mà bản thân mình có, những giá trị đã được xây dựng được trong quá trình trước và hàng loạt các câu hỏi như “Tôi là ai?”, “ Tôi muốn trở thành người như thế nào?”, “Những điều mà bản thân đã biết có đúng hay không?”,... luôn thường trực trong đầu. Nếu bạn đang tự hỏi bản thân những câu hỏi tương tự như vậy hoặc lo sợ về tương lai vô định thì chúc mừng, bạn đang đặt chân tham gia vào cuộc khủng hoảng. Nhưng cũng đừng quá lo sợ, giai đoạn này rất đặc biệt. 

Khủng hoảng căn tính không đáng sợ

Từ “khủng hoảng” khiến chúng ta cảm thấy to tát và sự sợ hãi bắt đầu nhen nhóm trong lòng. Sự thật nó không đáng sợ đến mức như vậy. Khủng hoảng căn tính là chướng ngại tất yếu bạn phải vượt qua trong quá trình phát triển bản thân. Thông qua đó, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc về bản thân mình cũng như hình thành được tính cách riêng. 
Khủng hoảng căn tính có thể diễn ra vào bất cứ giai đoạn lứa tuổi nào trong cuộc đời. Vì thế xin đừng cảm thấy cô độc hay lo sợ khi nhìn vào những người bạn đồng trang lứa, họ không mảy may lo lắng vào tương lai hay họ đang ngày một phát triển, đạt được thành tựu tại một số lĩnh vực. Khi bạn tâm sự những điều bạn trăn trở trong lòng và lời hồi đáp lại chỉ là những câu nói tương tự như “Do suy nghĩ quá nhiều thôi”. “Lại lo xa rồi”,....Bạn đừng quá bận lòng về những câu nói vô thưởng vô phạt như vậy. Đó chỉ là biểu hiện sự khác nhau giữa bốn nhóm căn tính và bạn cũng như những người khác không chung một nhóm mà thôi. 
Khủng hoảng căn tính không bỏ qua bất cứ ai, kể cả những người được coi là thành đạt, có chỗ đứng và có được thành tựu tại một số lĩnh vực trong cuộc sống. Khi thế kiềng ba chân xây dựng căn tính bị thiên lệch bởi việc đón nhận hàng loạt những trải nghiệm mới (thậm chí những trải nghiệm này trái ngược hoàn toàn với những giá trị họ đã xây dựng được trong giai đoạn trước), sự xung đột giữa bên trong và bên ngoài. Từ đó, nhóm người này cảm thấy khó thích nghi với vai trò đã thay đổi của mình trong gia đình và xã hội xung quanh. Cuộc khủng hoảng căn tính bắt đầu.
Sẽ chẳng thiếu những câu chuyện như một anh chàng hay cô gái chạm ngưỡng 30 tuổi với 5-10 năm kinh nghiệm tại một lĩnh vực bỗng nhiên nghỉ việc và bắt đầu một công việc mới chỉ vì trải qua sự cố trong công việc hay bỗng dưng một ngày họ nghĩ đến việc nghỉ việc. Có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến kết cục này. Nhưng điểm chung của họ chính là có những câu hỏi như “Mình có thực sự cần công việc này hay không?” hay “Đây có phải là con người mình muốn trở thành?”, “Đây liệu có phải cuộc sống mà mình muốn sống?”,...

Trạng thái căn tính cá nhân

Theo James Marca - một trong những nhà khoa học nghiên cứu mở rộng lý tâm lý học phát triển - thì có 4 nhóm trạng thái căn tính cá nhân được đúc kết qua phương pháp “Phỏng vấn đo lường danh tính”. Phương pháp này xem xét ba lĩnh vực hoạt động khác nhau: Vai trò nghề nghiệp, niềm tin và giá trị, bản sắc giới. 
Trong mô hình này, các trạng thái được xây dựng dựa trên 2 trục: Khám pháCam kết. Người có mức độ Cam kết cao, biết rõ mình là ai và có niềm tin mạnh mẽ vào lựa chọn của mình và ngược lại. Tương tự, trục Khám phá cho biết mức độ chủ động trong việc đặt câu hỏi về bản thân, đi sâu vào nội tâm và đưa ra sự lựa chọn của người đó. 
Điều đặc biệt, một người có thể trải qua cả 4 trạng thái của bản sắc cá nhân hoặc chỉ ở mãi một trong bốn trạng thái trong suốt cuộc đời mình. Điều này có được do sự tác động từ bên ngoài và sự phát triển bên trong

Identity diffusion - Căn tính mờ nhạt 

Sự Cam kết và Khám phá của trạng thái này đều ở mức thấp. Những người trong trạng thái này không có khái niệm rõ ràng về cái tôi cá nhân, vai trò của mình trong xã hội và không có những hành động khám phá hay kiểm nghiệm các lựa chọn của mình. Họ nổi trôi qua ngày và trì hoãn việc đối mặt với những câu hỏi từ cuộc sống. 

Identity foreclosure - Căn tính định sẵn

Với trạng thái này, cá nhân đã có thể có cam kết về nghề nghiệp, quan điểm hôn nhân, hay hệ giá trị, nhưng những lựa chọn này được tiếp nhận một cách máy móc (có thể từ rất sớm) từ cha mẹ hay những người có quyền lực khác trong môi trường sống. Chúng không thực sự là những điều bản thân cá nhân mong muốn. Họ đã chấp nhận chúng mà không đi qua một quá trình khám phá và thử nghiệm. 

Identity moratorium - Căn tính đình hoàn 

Người ở trạng thái này có mức độ khám phá cao nhưng cam kết lại thấp. Đây chính là nhóm mà thế hệ Gen Z chiếm số đông. Gen Z luôn đề cao việc tự ý thức bản thân và thấu hiểu bản thân. Trên con đường đó họ chọn cách trải nghiệm nhiều hơn để tìm hướng đi của chính mình. Chính vì thế họ dễ dàng bị đánh giá là “lông bông” không việc nào đến nơi đến chốn trong khi độ tuổi ngày một cao. 

Identity achievement – Căn tính đạt thành

Đây là một trạng thái lý tưởng nhất của căn tính. Tại đây, Cam kết cùng mức độ Khám phá đều ở mức cao nhất. Người nằm trong trạng thái này đã biết được giá trị, niềm tin nào là quan trọng nhất đối với mình và xác định hướng đi để đạt được những mục đích mà bản thân đã đề ra. Đây là kết quả tất yếu của quá trình trải nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau. 
Căn tính thành đạt là mục tiêu của mọi người. Khi đón nhận trạng thái này, bạn sẽ trở thành một phiên bản duy nhất của chính mình, không hề có phiên bản thứ hai. 
Đạt được căn tính thành đạt, mọi người chuyển tiếp sang một giai đoạn tiếp theo theo đúng nghĩa của từ đó: Trưởng thành.  

Gen Z và những nỗi đau 

Thế hệ Gen Z là thế hệ được sinh ra trong thời kỳ phát triển thuận lợi. Thế hệ này được trao tặng những lợi thế có được từ thế hệ đi trước gần gũi, nhất là nền tảng kinh tế và tri thức. 
Photo by Zyanya BMO
Photo by Zyanya BMO
Những tưởng đó là bàn đạp giúp cho thế hệ này trở thành thế hệ nổi bật. Nhưng ngược lại, đó lại khiến cho thế hệ này trở thành một thế hệ dễ bị tổn thương. Gen Z đang bị kẹt giữa những yếu tố để xây dựng nên căn tính cá nhân.
Thế hệ Gen Z có tâm lý chung muốn chứng tỏ bản thân, luôn mong có thể đạt được mục tiêu của chính mình cho nên họ nỗ lực quên bất kể ngày đêm. Song song với đó, thế giới đang chuyển mình, thời đại thế giới phẳng qua đi nhường chỗ cho thế giới nhanh chiếm hữu. Điều này đã tác động trực tiếp lên tâm lý của thế hệ làm chủ thế giới. Họ cho rằng, chỉ cần bản thân mình dừng lại dù chỉ một giây phút cũng khiến mình tụt lại phía sau. 
Thiết bị công nghệ đã giúp cho các bạn trẻ dễ dàng tìm hiểu nhiều kiến thức, cập nhật thông tin nhanh nhất và được đa dạng về màu sắc. Điều này trở thành con dao hai lưỡi khiến cho thế hệ trẻ bị “ngợp”. “Ngợp” trước những thông tin mà bản thân mình có được, “ngợp’ trước thành tích của những người xung quanh. Để rồi cứ ngỡ ai cũng sẽ phải trở thành một hình mẫu lý tưởng nọ mà không biết được rằng chính điều này đang đẩy bản thân bước dần dần bước vào căn tính nhận sẵn. Đi một đôi giày không phải là của mình. Mô hình chung những điều trên đã tạo cho thế hệ này một áp lực tâm lý. Áp lực về sự thành công và tự ti về những gì bản thân đang có. 
Bên cạnh đó, nhờ có khoa học công nghệ phát triển, thế hệ trẻ đang mất dần khả năng kết nối trực tiếp với mọi người xung quanh. Cuộc sống của họ gắn liền với giao tiếp ảo. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ ràng buộc. Khả năng giao tiếp trực tiếp và kết nối kém, khả năng ngôn ngữ giảm, các chứng liên quan đến tâm lý dần xuất hiện. 
Áp lực thành công và sự đóng khung của những người kề cận là trở ngại mà thế hệ Gen Z phải chịu đựng trong quá trình xây dựng căn tính. Thế hệ Gen Z đón nhận sự đầu tư và chăm sóc hết mức đến từ mối quan hệ kề cận. Những chuẩn mực được sinh ra và Gen Z phải sống trong những chuẩn mực đó và nỗ lực hoàn thành chuẩn mực như một sứ mệnh mà bản thân phải làm để chạm tay đến với “thành công”. Và việc không đạt được những mục tiêu đó được phán xét là kẻ không ra gì hay thậm tệ hơn trở thành “đứa con hoang đàng”. 
Những yếu tố tốt đẹp tưởng chừng sẽ tạo cho Gen Z một nền tảng đạt được những thành công vượt trội hơn thế hệ trước. Nhưng thật không ngờ, hết thảy lại khiến cho Gen Z trở thành bản sao của rất nhiều người, đang đi một đôi giày không phải của bản thân. Và đến khi cuộc khủng hoảng căn tính diễn ra, họ hoang mang để thoát khỏi nhưng lại không biết nên làm như thế nào. 

Cuộc khủng hoảng căn tính và Gen Z 

Khi Gen Z nằm trong căn tính định sẵn. Đây sẽ là hình mẫu của rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay muốn con của mình trở thành. học giỏi, tốt nghiệp tại trường top đầu và từng bước trở thành con người “thành đạt”. Hoặc chí ít trở thành người giống với khuôn mẫu mà mỗi ông bố bà mẹ tự định ra cho con cái mình. Thành công của những người có sức ảnh hưởng được chia sẻ trên mạng xã hội ảnh hưởng đến Gen Z, những thành tựu vật chất của những người nổi tiếng trở thành mục tiêu phấn đấu của thế hệ mới. Họ đón nhận đó như là mục tiêu của cuộc đời mà không cần lý giải hay trải nghiệm. 
Photo by Nsey Benajah
Photo by Nsey Benajah
Một lúc nào đó trong cuộc sống sẽ khiến các bạn trẻ cảm thấy mình đang sống một cuộc đời xa lạ, bản thân bị lạ lẫm trong chính con người của mình bởi những trải nghiệm thực tế bản thân va vấp. Căn tính định sẵn chuyển dần sang căn tính đình hoàn mở đầu cho cuộc khủng hoảng căn tính. 
Số ít những người trẻ nhận thức được nhưng lại không có nhu cầu thay đổi bằng những cam kết mới. Có thể vì sợ hoặc do thói quen khó bỏ và cũng bởi sợi dây đến từ các mối quan hệ thân cận kéo căng họ. Kéo căng nhóm người này từ thể xác lẫn tinh thần. Khiến cho người trẻ dịch chuyển dần dần trở thành căn tính mờ nhạt.
Một số không nhỏ khác, họ nhận định được nhưng lại không có cách nào thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng căn tính. Các mối quan hệ gần gũi trở nên căng thẳng, thông tin tràn lan trên mạng quá nhiều nhưng thực tế áp dụng đều không mấy hiệu quả. Việc vận lộn với thế giới bên ngoài và bên trong khiến cho rất nhiều người trẻ chọn cách dừng lại bằng cách tử tự. Trong cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, số lượng thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 24 tự tử tăng 50% trong thập kỷ qua. Theo thống kê gần nhất của Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (PAP) thì chỉ có 45% Gen Z hiện đang ở trạng thái tâm lý tốt và ổn định. Đâu sẽ là lối thoát cho những người trẻ khi phải đối diện với cục diện như thế này? 
Phần còn lại của Gen Z, họ lựa chọn đối chọi lại với những mối quan hệ thân thuộc và đi trên con đường tìm hiểu bản thân mình là ai, mình muốn gì trong cuộc sống này. Con đường đi tìm câu trả lời bắt đầu bằng việc sống một cuộc sống nặng về khám phá và có cam kết yếu. Nhóm này có một đặc điểm chung chính là không dễ tuân thủ, phục tùng và có một cảm nhận ổn định của bản thân. Điều này đã tạo cho các bạn trẻ một thế đứng vách núi. Nếu sảy chân, sa đà vào khám phá, cuộc sống dễ dàng rơi vào trạng thái phóng túng, tùy hứng và tạo ra sự thoải mái quá đà. Dẫn đến việc trái ngược và vượt qua khỏi giá trị phổ quát của xã hội. Cùng với đó, việc khám phá trong một thời gian dài cũng khiến các bạn dễ dàng bị “nghiện” cảm giác kích thích đến từ việc khám phá mà bỏ quên mục tiêu của hành động này là gì.
Thế hệ trẻ phải đi qua cánh cửa nào để dẫn đến căn tính thành đạt? 

Gen Z và lối thoát

Đọc đến đây có thể các bạn có thể đã thấy được hình bóng bản thân mình, những câu chuyện của chính mình đúng không? Những điều bạn tưởng chừng như là lợi thế của bạn lại dễ dàng giết chết chính cuộc đời của bạn. Cọng rơm cứu mạng nằm nằm ở đâu?

Đối diện với cuộc khủng hoảng căn tính 

Điều tiên quyết để có thể chạy thoát khỏi vũng bùn này chính là đối diện. Đối diện để chấp nhận nó như một phần tất yếu trong cuộc đời thay vì tìm cách chạy trốn. Khủng hoảng căn tính chẳng có gì đáng sợ, nó chỉ là khoảng thời gian khiến bạn sống chậm lại để chuẩn bị chạm tới cột mốc mới trong cuộc đời - trưởng thành.
Tiếp theo, bạn chẳng có trách nhiệm phải sống cho bất cứ ai, bạn chỉ có thể sống cho bạn bằng cuộc đời của chính bạn.
“Bạn phải nhớ rõ kịch bản của đời mình. Bạn không phải là tập tiếp theo của bố mẹ. Không phải phần một của con cái. Càng không phải ngoại truyện của bạn bè.”
Những câu trả lời khác mọi người, khác với những giá trị đã biết không nói lên sự bất ổn của bạn. Nó chỉ chứng tỏ một điều bạn đang phát triển và đã tìm ra một khía cạnh mới của bản thân. Và có thể, những khía cạnh này còn sẽ tiếp tục xuất hiện đến khi bạn lìa đời. 

Con người bên trong bạn đang muốn nói gì? 

Đây là cuộc khủng hoảng của tâm lý vì thế câu trả lời sẽ không nằm tại thế giới bên ngoài mà nằm ở thế giới bên trong bên trong. Con người bên trong của bạn đang muốn nói gì? 
Những dấu hiệu nhỏ bên trong con người bạn như: Sở thích, sự bài xích, tình yêu, sự tức giận, những đánh giá về kỷ niệm trong quá khứ,... bạn hãy để mắt đến chúng. Tôi tin chắc rằng bạn sẽ không hiểu được tại sao bạn lại sinh ra những cảm xúc đó. Việc đặt những câu hỏi mang đầy tính tò mò, khám phá ấy đối với bản thân bạn sẽ nhận ra mình cũng phải mất kha khá thời gian để có thể hiểu được rõ chính mình như cách bạn cố gắng tìm hiểu bạn bè, người yêu, đồng nghiệp. 
Đáp án của những câu hỏi đầy tính thử thách đó chính là góc nhìn, quan điểm của bạn với những hành động xung quanh. Sẽ có một số câu hỏi bạn chưa thể trả lời ngay. Nhớ rằng, đáp án của bạn sẽ thay đổi theo thời gian và bạn sẽ thấy mình và cuộc sống xung quanh thay đổi nhiều như thế nào. 

Quan sát môi trường xung quanh bạn 

  Con người là động vật quần cư. Mỗi chúng ta đều sinh sống trong một cộng đồng nào đó và phát sinh ra nhiều mối quan hệ khác nhau. Có thể là gia đình, bạn bè, yêu đương, đồng nghiệp, …đến với nhau dựa trên nhiều yếu tố: Huyết thống, niềm đam mê, sở thích, công việc,...
Bạn có vai trò gì trong môi trường xung quanh? Ở cạnh những mối quan hệ như thế nào sẽ khiến bạn thoải mái nhất và ngược lại đâu sẽ là nơi bạn mất nhiều năng lượng nhất? Và đừng quên quan sát người ngoài cuộc đánh giá như thế nào về bạn, hãy tiếp nhận tất cả, cho dù là điều tiêu cực nhất. Có thể đó chính là mảnh ghép mà bạn đã lãng quên hoặc phớt lờ không chấp nhận. Nhiệm vụ của bạn chính là thu lại tất cả các kết quả, tổng hợp chúng trở thành một hệ thống. Đó chính là vai trò của bạn trong xã hội. 
Hệ thống này sẽ trả cho bạn kết quả mà bạn đang tìm kiếm bấy lâu nay “Mình có thực sự cần công việc này hay không?”, “Mình làm công việc này có mục đích gì?”,...từ đó bạn có được phương hướng hành động mà ở đó bên trong và bên ngoài hòa làm một. 

Tạo cho bản thân một ID của riêng mình

Câu trả lời của mọi vấn đề luôn nằm bên trong. Chỉ có bạn mới nắm trong tay chiếc chìa khóa quyết định của cuộc đời của chính mình. Đừng sợ, hãy tạo cho bản thân mình một ID riêng biệt. 
Với chiếc ID này, bạn có thể trở thành người mà mình muốn trở thành, sống cuộc đời bản thân hằng ao ước và hành động dựa trên sự cam kết và khám phá cao.