Billie Jean King - vận động viên quần vợt số 1 thế giới từng phát biểu: “Tôi nghĩ nhận thức về bản thân có lẽ là điều quan trọng nhất để trở thành nhà vô địch.” Aristotle - nhà triết học vĩ đại thì cho rằng: “Biết rõ bản thân mình chính là khởi đầu của mọi tri thức”. Tất cả những nhân vật thành công trên thế giới đều là những người có khả năng tự nhận thức cao về bản thân. Họ biết mình là ai, có những điểm mạnh, điểm yếu như thế nào, đâu là những điều quan trọng với bản thân mình và hành động dựa trên những giá trị cốt lõi của bản thân. Vậy bạn có tò mò sự tự nhận thức là gì và vì sao nó lại đóng vai trò quan trọng đến vậy trong cuộc sống của mỗi chúng ta? 

Đã bao giờ bạn trải nghiệm những câu chuyện tương tự?

Câu chuyện đầu tiên: Ngọc, 25 tuổi, về công việc của cô ấy.
Ngọc gặp khó khăn trong công việc của mình. Cô cảm thấy mình luôn cố gắng nhưng không bao giờ hoàn thành hết việc. Ngày nào cô cũng bận rộn trong đống giấy tờ, cả tá thư chưa trả lời trong inbox và những công việc không tên khác. Cô mệt mỏi mỗi khi đến công sở. Một ngày đẹp trời, một giọng nói vang lên trong đầu Ngọc, hỏi cô rằng công việc nào khiến cô mất nhiều thời gian nhất. Ngọc cho rằng đó là khi tập hợp, xử lý các giấy tờ công nợ, điền thông tin vào một file Excel với hàng trăm sheet, và hoàn thành hồ sơ thanh toán cho nhà cung cấp. Giọng nói đó tiếp tục hỏi cô có thể làm gì để cải thiện việc này. 
Ngọc đã ngồi xuống và nghĩ ra một danh sách những việc mình có thể làm. Ví dụ như đăng ký một khóa học Excel macros để tăng khả năng tự động hóa các đầu việc. Đặt ra những quy định về việc nộp hóa đơn chứng từ và cách sắp xếp chúng theo thứ tự cho những người liên quan để dễ tìm kiếm và phân loại. Hay yêu cầu người chịu trách nhiệm mua hàng phải tự điền đầy đủ các thông tin liên quan đến mua bán trước khi chuyển giao chứng từ cho cô.
Câu chuyện thứ hai: Linh, 23 tuổi và mối quan hệ với bạn trai
Linh luôn cảm thấy bất an trong mối quan hệ với bạn trai mình. Cô cảm thấy anh không quan tâm đến cô nhiều như cái cách cô muốn. Cô hờn dỗi với bạn trai vì anh vô tình quên những ngày kỷ niệm ý nghĩa. Cô luôn cảm thấy khó chịu nhưng lại không bao giờ nói ra mà muốn anh phải tự biết lý do vì sao. Anh cũng cảm thấy mệt mỏi vì cô hay giận dỗi vô duyên vô cớ. Sau nhiều lần cố gắng làm hòa không thành, anh mặc kệ cô muốn ra sao thì ra. Cô khóc vì không biết phải làm gì với mối quan hệ này trong khi cô không hề muốn buông tay.
Một ngày đẹp trời, một giọng nói vang lên trong đầu cô: “Rút cục là mày muốn điều gì ở anh ấy?”. Cô bắt đầu suy nghĩ xem mình thực sự giận dỗi chuyện gì, cách yêu thương cô muốn là gì, một cách rõ ràng và cụ thể. Liệu anh ấy có thể biết được nếu như chính cô cũng không biết được bản thân mình cần gì và muốn gì. Sau đó, cô quyết định đến gặp và nói rõ những suy nghĩ của mình cho anh.
Câu chuyện thứ 3: Nga, 30 tuổi, về chính bản thân mình.
Từ bé, Nga sống trong sự so sánh của bố mẹ. Cô luôn bị bố mẹ lấy ra để so sánh với con của đồng nghiệp hay hàng xóm. “Sao mày lại dốt thế nhỉ?”. “Thằng A nó có được đi học thêm đâu mà sao nó lại học giỏi thế?” “Mày có thấy con C nhà cô Z không? Sáng nào cũng thấy nó dậy quét sân rồi mới đi học.” Hay “nhìn cái H con nhà cậu X đi, trông nó bé thế kia mà khôn ra phết, sao mày thì ngu thế hả con”...
Bây giờ, khi đã có gia đình, cuộc sống của Nga cũng chẳng khá khẩm hơn. Bản thân cũng hình thành thói quen so sánh với người khác. Cô buồn khi con không có được chỉ số chiều cao - cân nặng “đẹp” như con người ta. Cô ghen tị khi bạn bè có nhà có xe cả rồi còn mình hàng ngày vẫn bận rộn chi li từng đồng từng cắc. Cô bực bội khi nghĩ đến chồng mình ngày ngày chỉ biết yên phận với công việc đến chính mình cũng chán chường mà chẳng dám đổi thay? Nga luôn cảm thấy cuộc sống của mình không hạnh phúc. 
Một ngày đẹp trời, một giọng nói vang lên trong đầu Nga hỏi cô hạnh phúc là gì? Tại sao cô luôn so sánh và cảm thấy ghen tị với người khác? Hạnh phúc của cô trông có giống như hạnh phúc của những người khác hay không? Cô bắt đầu những bước đầu tiên trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của chính cô, chứ không phải ai khác.
Vào một ngày đẹp trời, một giọng nói vừa lạ vừa quen đều hiện lên trong tâm trí của Ngọc, Linh và Nga đặt ra cho bản thân họ những câu hỏi. Những câu hỏi không giống nhau cho những vấn đề không giống nhau. Nhưng tất cả đều báo hiệu cho sự khởi đầu quá trình tự nhận thức của mỗi người. Sau khi những câu hỏi được đưa ra, họ trải qua quá trình nhìn lại bản thân, nghĩ ra một vài giải pháp để bắt đầu cải thiện cuộc sống. Họ vượt qua được khoảnh khắc khó khăn trong đời mình. 
Có thể bạn sẽ thấy rằng nếu chỉ bằng vài câu hỏi như vậy, thì quá dễ dàng và đơn giản để có được sự thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự bắt đầu cho quá trình tự nhận thức liên tục diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi người. Có một điều tôi dám chắc cho cả Linh, Ngọc và Nga, đó là nếu họ biết cách nhân lên nhiều những khoảnh khắc tự vấn như vậy, con đường của họ sẽ không còn bị che khuất bởi màn sương mù dày đặc nữa. Họ sẽ sống một cuộc sống mới mà ở đó họ biết mình muốn gì, mình cần làm gì, một cách rõ ràng và cụ thể để đạt được mong muốn của mình.

Vậy khả năng tự nhận thức (Self-Awareness) là gì?

Wikipedia định nghĩa tự nhận thức là trải nghiệm của một cá nhân. Đó là việc con người biết được, một cách có ý thức, về tính cách, cảm xúc, động cơ, mong muốn của bản thân. Hubspot đưa ra khái niệm tự nhận thức là khả năng tập trung vào bản thân bạn. Đó là việc những hành động, suy nghĩ hay cảm xúc của bạn phù hợp như thế nào với những tiêu chuẩn bên trong của bạn. Nếu như bạn ở trong trạng thái tự nhận thức cao, bạn có thể đánh giá bản thân một cách khách quan, kiểm soát cảm xúc của mình, kết nối hành động với những giá trị của bạn và hiểu một cách đúng đắn về việc những người khác nhìn nhận bạn như thế nào.
Dr Prem Jagyasi - tác giả, cũng là diễn giả nổi tiếng cho rằng tự nhận thức là tất cả những việc đặt câu hỏi để tìm ra sự thật về bản thân, phân tích chúng, và chọn ra những điều mang lại lợi ích cho nội tâm của chính mình. Trang Psychology Today thì cho rằng tự nhận thức là khả năng nhìn bản thân một cách rõ ràng và khách quan thông qua hồi tưởng và tự suy xét.
Tôi nghĩ rằng, tự nhận thức là hiểu về bản thân của bạn, lắng nghe tiếng lòng của bạn, biết rõ được những điều mình muốn, nhận thức được suy nghĩ và cảm xúc của mình, hành động dựa trên giá trị cốt lõi để tạo ra được cuộc sống hạnh phúc mang màu sắc riêng của bạn, chứ không phải bất kỳ ai khác.
Theo các nhà khoa học thì khả năng tự nhận thức bắt đầu có từ khi chúng ta khoảng 18 tháng tuổi, khi đứa trẻ đứng trước gương và được hỏi đâu là cái mũi của mình. Đứa trẻ đã chỉ vào cái mũi thật thay vì cái mũi trong gương. Đó là khởi đầu của sự tự nhận thức. Sau đó nó sẽ dần dần được phát triển theo thời gian. Nhưng không phải ai cũng đạt được sự nhận thức toàn diện. 
Tasha Eurich - một nhà nghiên cứu, tác giả sách bán chạy trên New York Times, chỉ ra rằng thực tế chỉ có khoảng 10-15% người có được sự tự nhận thức đầy đủ về bản thân. Bởi vậy, chúng ta cần cố gắng thực hành liên tục mỗi ngày để cải thiện khả năng tự nhận thức. Avolio và Gardner (2005) trong một nghiên cứu của mình có chia sẻ: “Tự nhận thức không phải là một điểm đến, nó là một hành trình không ngừng nghỉ khi mà chúng ta luôn luôn tìm hiểu và khai phá những tài năng độc nhất vô nhị, những điểm mạnh, mục đích, giá trị cốt lõi, niềm tin của bản thân và những điều ta mong muốn.”
Thuyết tự nhận thức được phát triển bởi Duval và Wicklund vào năm 1972 dựa vào ý tưởng rằng bạn không phải là những suy nghĩ của bạn mà là thực thể quan sát những suy nghĩ của bạn. Khi bắt đầu giai đoạn này, sẽ có lúc chúng ta cảm thấy rất khó khăn vì nhận ra những điều mà bản thân không thích hoặc khó chấp nhận về chính mình. Đó là lúc chúng ta cần chấp nhận bản thân như vốn có và thay đổi để hoàn thiện hơn. Nếu như sở hữu một tư duy mở, bạn sẽ dễ dàng tiếp tục dấn thân trên con đường kiến tạo cuộc đời bạn mong muốn thay vì sợ hãi và lùi bước. Dù con đường đó có thể đáng sợ và đơn độc đến như thế nào đi chăng nữa. 
Tự nhận thức bao gồm tự nhận thức từ bên trong và từ bên ngoài. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng như nhau trong hành trình tìm kiếm và phát triển bản thân. Nếu như sự tự nhận thức từ bên trong cho phép bạn hiểu rõ bản thân mình, thì tự nhận thức từ bên ngoài làm cho bạn hiểu rõ cách người khác nghĩ về bạn. Từ đó, bạn có được cái nhìn khách quan về bản thân, không bị rơi vào cái bẫy quá tự tin vào năng lực của mình. Đồng thời, tự nhận thức bên ngoài cũng giúp bạn phát triển khả năng quan sát và thấu cảm với suy nghĩ của những người xung quanh. 
Những người lãnh đạo thành công thường làm chủ được khả năng nhận thức về bản thân cũng như biết tiếp thu những phản hồi của những người khác về chính mình. Họ biết cách cân đối hai điều này để đạt được những mục đích trong cuộc sống.

Tại sao tự nhận thức lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống?

Tôi tin rằng mọi vấn đề đều bắt nguồn từ khả năng tự nhận thức. Có phải chúng ta vẫn luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để hạnh phúc và thành công trong công việc và cuộc sống. Thực ra đó là những câu hỏi chung chung. Bạn cần có những câu hỏi chi tiết hơn để tìm được câu trả lời tốt nhất cho chính mình. 
Đối với bản thân bạn, hạnh phúc là gì? Nó trông như thế nào? Hạnh phúc của bạn có giống như của người hàng xóm, hay của cô bạn học cùng cấp 3? Bạn định nghĩa thế nào là thành công? Liệu rằng với bạn thành công là phải có hàng chục tỷ đô la như Warren Buffett, hay sở hữu vài chục chiếc Ferrari, phần lớn thời gian trong năm du lịch khắp thế giới và ở những resort 5 sao đẳng cấp quốc tế? Hay chỉ đơn giản là được sống và làm những việc có ý nghĩa với xã hội, với một số tiền đủ dùng, một căn nhà đủ để ở, và kể cả không sở hữu bất kỳ phương tiện đắt tiền nào? 
Sau khi định nghĩa xong những khái niệm mang tên mình, bạn mới bắt đầu hỏi làm thế nào để mình đạt được từng hạng mục trong khái niệm đó. Và đó là khởi nguồn sức mạnh của sự tự nhận thức.
Bất kỳ khi nào tìm kiếm câu trả lời cho mình, bạn cần phải suy nghĩ đủ sâu để hiểu rõ điều bản thân thực sự muốn. Hãy khai thác tất cả những thông tin mà bạn có, những cảm xúc của bạn, những giá trị bạn luôn trân trọng, những ước mơ và mong muốn của bạn để diễn đạt một cách rõ ràng, chi tiết nhất và chân thật nhất. Như thể bạn có thể sờ, nắm, chạm và cảm nhận được nó. Mỗi một người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau và vẽ nên những bức tranh không giống nhau. 
Bạn sẽ có những giá trị, những ước mơ, những khát vọng, những tiêu chuẩn riêng không hề giống bất kỳ một ai khác. Kể cả khi quyết định tìm kiếm những lời khuyên từ người khác, thì người cuối cùng phải đưa ra quyết định cũng là bạn. Không ai chịu trách nhiệm cho những quyết định liên quan đến cuộc đời bạn. Chỉ có bạn chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Bởi vậy làm bạn với bản thân là sự kết nối quan trọng bạn không thể bỏ qua. Chỉ có hiểu được bản thân, bạn mới có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhất với bạn và mang lại cho bạn niềm vui niềm hạnh phúc như bạn mong muốn.
Ngoài ra, tự nhận thức đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta hiểu về bản thân mình và việc chúng ta có mối tương quan thế nào đến những người xung quanh và thế giới. Tự nhận thức không chỉ là hiểu rõ về những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình mà còn là biết được người khác nhìn nhận và đánh giá bản thân mình như thế nào. Nếu như bạn là một người có khả năng tự nhận thức tốt, có nghĩa là bạn có thể đánh giá bản thân mình một cách khách quan, kiểm soát cảm xúc của mình, thực hiện những hành động tương quan với giá trị của bạn, và hiểu một cách đúng đắn việc người khác nhìn nhận thế nào về bạn.
Tasha Eurich chia sẻ trên trang Harvard Business Review về sự tự nhận thức như sau: “Tự nhận thức dường như đã trở thành một từ ngữ thông dụng về quản trị gần đây - theo nghĩa tốt. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi có khả năng nhìn rõ bản thân mình, chúng ta trở nên tự tin và sáng tạo hơn. Chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, xây dựng những mối quan hệ bền vững hơn, và giao tiếp một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng ta hiếm khi lừa dối, bịa đặt hay ăn cướp. Chúng ta trở thành những nhân viên giỏi hơn và có được nhiều thăng tiến trong sự nghiệp. Và chúng ta cũng là những nhà lãnh đạo thành công hơn với những nhân viên hài lòng hơn về công việc cùng chuyện kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận hơn.”
Caroline Forsey, cây viết của trang Hubspot cũng khẳng định tự nhận thức “giúp chúng ta trở thành một nhà lãnh đạo và một nhân viên làm việc hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn, kết nối hài hòa cuộc sống hiện tại với những đam mê của bạn.” 
Đọc thêm:

Những lợi ích mà khả năng tự nhận thức mang đến cho cuộc sống của bạn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng tự nhận thức đem lại cho con người rất nhiều lợi ích trong công việc cũng như cuộc sống. Trong bài viết hạn hẹp của mình, tôi muốn đưa ra một vài lợi ích sau đây: 
Phát triển kỹ năng (Skills Development): Cải thiện khả năng tự nhận thức giúp chúng ta biết được mình muốn gì, theo đó phát triển những bộ kỹ năng phù hợp với giá trị bản thân để có lợi thế hơn trong công việc và cuộc sống.
Làm việc hiệu quả (Productivity): Cải thiện khả năng tự nhận thức giúp bạn biết đâu là ưu tiên trong cuộc đời mình và tập trung vào nó, đồng thời loại bỏ được xao nhãng giúp cho làm việc hiệu quả năng suất hơn.
Hạnh phúc (Happiness): Cải thiện khả năng tự nhận thức, bạn xác định được những giá trị cốt lõi của mình, nhờ đó kết hợp hài hòa hệ giá trị đó với những quyết định trong cuộc sống khiến bạn thỏa mãn hơn và hạnh phúc hơn
Những mối quan hệ tốt đẹp (Better Relationship): Cải thiện khả năng tự nhận thức, bạn ý thức hơn về cách nhìn của người khác đối với bản thân, khắc phục những điểm chưa tốt trong mối quan hệ với người khác, nhờ vậy mối quan hệ sẽ trở nên bền chặt hơn
Khả năng thấu cảm (Empathy): Cải thiện khả năng tự nhận thức giúp bạn biết chấp nhận bản thân mình, nhờ đó mà dễ dàng cảm thông với người khác.
Khả năng lãnh đạo hiệu quả (Effective Leadership): Cải thiện khả năng tự nhận thức giúp bạn ý thức về chính mình đồng thời đón nhận những phản hồi từ người khác. Bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo được sự ủng hộ của nhiều người vì luôn đưa ra được những quyết định có lợi cho bản thân, nhân viên và tổ chức của mình.
Bạn có thể thấy rằng, sự tự nhận thức mang lại rất nhiều lợi ích trong mọi mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng hành trình giác ngộ chắc chắn sẽ có nhiều gian nan. Không cần phải nói đâu xa, để viết nên bài viết này của mình, tôi cũng phải trải qua cả một chặng đường của tự nhận thức. Tự nhận thức về những điều tôi muốn mang đến cho độc giả. Làm thế nào để chia sẻ những giá trị ý nghĩa nhất khiến bạn không thể không bắt tay vào hành động? Bản thân mình đã làm những gì trên hành trình tự vấn bản thân và lợi ích mà nó đã đem lại cho cuộc sống của tôi?
Bởi vậy, tôi hy vọng rằng bài viết của mình sẽ đem lại cho bạn những động lực nho nhỏ, đủ để bắt đầu những bước đi đầu tiên trên hành trình “tự nhận thức” vạn dặm, hướng tới một cuộc sống thành công và hạnh phúc bạn hằng ao ước.
Cùng tác giả: