Trong quá trình khai phá phát triển bản thân việc thấu hiểu bản thân luôn là yếu tố tiên quyết. Và hướng nội hay hướng ngoại thường được biết đến như lời giải thích về nguyên nhân của hành động cũng như đặc trưng tính cách của cá nhân.
Thuật ngữ trên cũng rất dễ bị lạm dụng như một lời ngụy biện cho phần thiếu sót của bản thân vô hình chung tạo ra rào cản cho hành trình này. 
“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời” Dưới góc nhìn tâm lý học, liệu tính cách của con người có thể thay đổi được hay không? Tính cách nào sẽ là mục tiêu hướng tới của sự thay đổi. . 

Học thuyết của Carl Jung

Hướng nội và hướng ngoại là hai thuật ngữ được tạo ra vào những năm 1920 bởi nhà tâm lý học trị liệu và phân tâm học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. 
Theo ông, các nhóm tính cách được phân biệt dựa trên việc đón nhận và sử dụng năng lượng. Người hướng nội (introvert) thường tìm kiếm vào thế giới nội tại cho những tư tưởng, cảm xúc, ảo tưởng, mơ ước, khát khao của mình. Nói cách khác, họ lấy nguồn năng lượng và tự tạo nguồn năng lượng bằng cách tương tác với thế giới bên trong. Bạn dễ dàng bắt gặp một người dè dặt trong giao tiếp, không thích những nơi ồn ào, đánh giá là khó gần hay “tàng hình” trong đám đông. Họ là người hướng nội. Nhưng có một điều đặc biệt, nhờ vào đặc điểm lấy việc giao tiếp với thế giới bên trong làm hoạt động chính, họ trở thành người tâm sự đáng tin cậy và đưa ra được những lời khuyên hữu ích trong mọi tình huống. 
Ngược lại, năng lượng của nhóm hướng ngoại (extrovert) đến từ các mối quan hệ bên ngoài và môi trường xung quanh. Nhóm người này nổi bật trong đám đông bằng việc giao tiếp năng nổ, tự tin, mạnh dạn bắt chuyện với mọi người. Vô tình hay cố ý cũng sẽ trở thành tâm điểm của đám đông. Nhưng chính vì như thế, extrovert sẽ dễ trở nên quá khích và bị chi phối bởi cảm xúc của đám đông mà không kiềm chế được cảm xúc của chính mình. 
Tưởng chừng đây là hai khái niệm thuộc hệ nhị nguyên nhưng sự thật lại chẳng vậy. Chính cha đẻ của học thuyết, Carl Jung đã phải thừa nhận rằng “Cuối cùng thì vẫn có nhóm thứ 3, và khó mà có thể nói được động lực của nhóm này chủ yếu đến từ bên trong hay bên ngoài”. Và thậm chí, nhóm này còn chiếm số lượng đông đảo trong xã hội,  hướng nội hay hướng ngoại chỉ chiếm thiểu số mà thôi. 
Nhóm ẩn số này được thế hệ sau nghiên cứu và đặt cho chúng với cái tên Ambivert. 

Ambivert

Hướng nội, hướng ngoại không còn thuộc hệ nguyên, chúng được đặt trên một “phổ”. Và nếu là “phổ” thì sẽ có những người đâu đó ở giữa. Ambivert - người hướng trung là nhóm người đó, họ  mang những đặc trưng cơ bản của cả hai chiều tính cách. Không những vậy, nhóm tính cách này có thể điều chỉnh bản thân mình, tạo ra những hành động phù hợp với hoàn cảnh xã hội, cảm xúc hoặc mục tiêu cá nhân. 
Với mục tiêu tạo ra nhiều mối quan hệ, tạo ấn tượng tốt trong những lần gặp gỡ, nhóm người này sẽ biết cách trở thành tâm điểm của cuộc hội họp. Khi kiểm điểm bản thân hay refresh cơ thể, họ có thể vừa ra ngoài chơi với nhóm bạn và cũng thừa khả năng ở một mình cũng chẳng sao. 
Bạn dễ dàng có thể bắt gặp một người chỉ mới hôm trước thôi là trung tâm của bữa tiệc, cởi mở giao tiếp, kể cho mọi người nghe những chuyện trên trời dưới đất. Nhưng đến hôm nay họ lại ít nói, thu mình lại và thậm chí đóng cửa không tiếp bất cứ ai. Họ vừa có thể giao tiếp xã hội một cách hoạt ngôn vừa có thể tự chơi đùa với bản thân.
Đó chính là Ambivert. 
Chúng ta đang sống trong một hệ giá trị được gọi là “khuôn mẫu hướng ngoại lý tưởng”, nơi đó con người lý tưởng với xã hội phải là một kẻ hoạt bát, xông xáo, năng nổ, hăng hái giao du rộng rãi, và có thể hoàn toàn thoải mái khi là trung tâm của mọi sự chú ý. Và thường các nhà tuyển dụng, chuyên gia nhân sự hay quản lý doanh nghiệp thường có thiện cảm hơn với những người hướng ngoại. Vì họ tin rằng khả năng thích nghi và hòa đồng của nhóm tính cách này sẽ tạo ra bước đột phá khác biệt hơn so với hướng nội. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Nhờ vào việc thừa hưởng những đặc tính từ hai nhóm tính cách mà Ambivert có lợi thế trong cuộc sống và sự nghiệp. 
Theo nghiên cứu của giáo sư Adam Grant trường Wharton, thì người hướng trung mang lại lợi nhuận hơn 24% so với người hướng nội và 32% so với người hướng ngoại trong việc buôn bán. Nghiên cứu của Grant cũng bác bỏ quan điểm mạnh mẽ và được phổ biến rộng rãi rằng những nhân viên bán hàng hoạt động tốt nhất là những người hướng ngoại. Ông nhận thấy rằng tính linh hoạt xã hội cao hơn của những Ambivert giúp họ bán chạy hơn tất cả các nhóm khác, chuyển sản phẩm nhiều hơn 51% mỗi giờ so với nhân viên bán hàng trung bình. Hãy để ý xem doanh số bán hàng tăng lên như thế nào khi tính hướng ngoại tăng lên, đạt đỉnh điểm với những người chỉ hướng ngoại vừa phải.

Đừng ngụy biện 

Nhóm người hướng nội hay hướng ngoại “điển hình” vẫn thực sự tồn tại ngoài kia nhưng với số lượng rất ít. Chắc chắn rằng thông qua vài bài test MBTI trên mạng hay một số báo cáo khoa học đề cập tới những điểm điển hình của nhóm tính cách cũng chẳng khẳng định được bạn thuộc tuýp người hướng nội hay hướng ngoại. Vì theo Jung, người 100% hướng nội hay hướng ngoại chỉ có thể là “kẻ điên” mà thôi. Việc bạn bạn định nghĩa bản thân là người hướng nội hay hướng ngoại cũng chỉ là cách bạn ngụy biện khi đứng trước những câu hỏi như:  
- Con bé này ít nói thế?
- Sao cậu không ngồi yên được một chỗ à? 
Tính cách mỗi người mỗi khác và việc tìm hiểu tính cách của bản thân luôn là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Nếu bạn “chẳng may” nằm trong nhóm ít ỏi trên, việc bạn phải làm không phải sử dụng nó như một sự đổ lỗi cho tính cách đặc biệt của mình. Thay vào đó, bạn hãy tìm cách kiểm soát và làm chủ không làm cho những đặc điểm đặc biệt này chi phối hành động của bản thân. 
Nếu bạn nằm trong số những người mới bắt đầu đi tìm câu trả lời cho những nét tính cách của bản thân thì đừng vội nhận định bản thân là hướng nội hay hướng ngoại. Việc định nghĩa bản thân phân cực như vậy chỉ là nấm mồ chôn chân bạn mà thôi. 
Điều này không đồng nghĩa với việc nhận định ban đầu tính cách của mình là hướng ngoại hay hướng nội là xấu. Tổng hợp các hành động và quy về một mối rất cần thiết trong việc điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh sinh sống. Việc sớm kết luận bản thân mình thuộc vào nhóm nhị nguyên chỉ khiến bạn sinh ra một loại tư duy tệ hại - Tư duy đổ lỗi. Nó sẽ trở thành lời tự bào chữa cho mặt không hoàn hảo của bản thân. 
Thay vào đó, hãy sử dụng hai khái niệm này như một bàn đạp thay đổi bản thân để có cái nhìn công tâm nhất nhằm thay đổi sao cho phù hợp và ngày càng phát triển trong tương lai.

"Khó" khác với "không thể"

Từ trước đến nay, xu hướng suy nghĩ tính cách là cố định, thuộc về bản chất của một người, không thể thay đổi luôn tồn tại. Nhưng hiện nay tâm lý học đã có đáp án hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta nghĩ,
Brent Roberts, nhà tâm lý học Đại học Illinois tại Urbana Champaign (Mỹ), cho biết: “Tính cách là hiện tượng phát triển. Nó không chỉ là “một thứ tĩnh” mà bạn vĩnh viễn không thể thay đổi”. 
Chính vì vậy, nếu bạn đang thấy bản thân thuộc tuýp người hướng nội hay hướng ngoại thì bạn vẫn có đầy đủ khả năng để phát triển tới nhóm tính cách khác. 
Thay đổi được hay không đó là câu chuyện của tư duy 

Phân cực - cái bẫy của tư duy 

Cùng một cây bút. Khi rơi vào tay một người nó được sử dụng đúng với công dụng của một cây bút. Nhưng với một người khác, cây bút đó không còn chỉ để viết mà nó sẽ trở thành tác phẩm nghệ thuật. 
Hình dáng các bộ phận trên cơ thể đã từng có thời điểm tưởng chừng như không thể can thiệp. Nhưng với tiến bộ khoa học của thời điểm hiện tại đã chứng minh điều ngược lại. Nguyên nhân chủ yếu của cả hai vấn đề hay muôn vàn vấn đề khác như những tấm gương thành công, vượt khó đều đến từ cách mà con người tư duy. Tư duy tạo ra niềm tin tin rằng chúng ta có thể hoàn thành mọi thứ. 
Ngoại trừ các yếu tố khác, tư duy phát triển (growth mindset) với niềm tin nghệ thuật có ở khắp mọi nơi sẽ khiến các đồ vật như cây bút cũng biến thành một tác phẩm nghệ thuật. Với cách tư duy cố định (fixed mindset) thì nghệ thuật sẽ là những thứ rất cao siêu ngoài kia và những vật tầm thường như cây bút sẽ không bao giờ trở thành được. 
Câu chuyện của tính cách cũng vậy. Bạn coi bản thân thuộc một trong hai trạng thái của thái cực, tư duy cố định được xác lập. Bạn có niềm tin rằng bạn chỉ thích ở một mình, việc thuyết trình trước đám đông trở thành trung tâm của mọi sự chú ý là không thể hoặc ngồi yên một chỗ sẽ làm cho bạn khó chịu, nơi yên tĩnh không phải nơi dành cho bạn,...Tất thảy chỉ là bạn đang tự thuật cho bản thân, là tiếng nói của “bản ngã tự thuật” còn về thực tế thì không biết. 
Lối tư duy cố định đến từ phân cực tính cách làm cản trở sự phát triển. Chắc chắn rằng, mỗi khi đứng trước thất bại hay thử thách, việc đầu tiên bạn làm sẽ là đổ lỗi cho nét tính cách đặc thù của mình. Việc nhận thức bản thân mình thiếu sót bị lu mờ, chủ động biến mất dành chỗ cho bị động. 
Cùng với đó, việc nghiên cứu ra ra nhóm tính cách thứ 3 đã càng khẳng định trạng thái phân cực là một cái bẫy. Bản chất của chúng ta tràn đầy mâu thuẫn. Chúng ta sẽ có thể thay đổi được tùy vào cách chúng ta đối diện với hiện trạng. 

Thứ bạn cần là Ambivert

Chúng ta luôn chán ghét khi bị người khác dán nhãn, cớ sao chúng ta lại tự dán nhãn bản thân bằng cụm từ hướng nội hay hướng ngoại? Nhãn dán này hoàn thành nhiệm vụ khi định nghĩa bản thân nhưng ngược lại cũng tự tạo ra những giới hạn. Nó ràng buộc hành động của bạn, tạo ra “vùng an toàn ảo” nơi đó chỉ có mình bạn, đi ngược lại với tập tính xã hội của loài người. 
  Hãy nhìn vào Ambivert, đó mới chính là điều mà chúng ta cần hướng tới dù bạn là hướng gì đi chăng nữa. Một sự cân bằng giữa thế giới bên trong và bên ngoài, bổ khuyết những điều mà thái cực còn lại đang thiếu để công việc cũng như sinh hoạt xã hội đạt hiệu quả cao. 
Nếu bạn vẫn quyết định xác định bản thân mình hướng ngoại hoặc hướng nội thì điều này sẽ chẳng giúp bạn hạnh phúc hơn. Một thế giới nội tâm mạnh mẽ với sợi dây kết nối tâm hồn bền chặt sẽ giúp bạn chiến thắng mọi cơn khủng hoảng. Quả thực sẽ rất tồi tệ khi bạn chìm vào thế giới bên trong quá lâu vì chứng rối loạn lo âu sẽ nuốt chọn bạn. Năng lượng tích cực đến từ tính cách hướng ngoại sẽ giúp cho bạn vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Quá nhiều tích cực sẽ trở thành viên thuốc an thần giết chết con người bên trong bạn mỗi khi chúng muốn lên tiếng. Và cảm xúc, những tưởng nó chỉ thuộc về bạn nhưng bây giờ nó bị phụ thuộc bởi đám đông, bị đám đông chi phối. 
Và hơn cả thế, khắc phục bản thân trở thành ambivert sẽ cho bạn nhiều sự lựa chọn. Ngày nghi rảnh rỗi cùng với tiết trời thu mê lòng người của miền Bắc khiến bạn muốn ra ngoài ngắm nhìn cảnh sắc. Nhắc điện thoại lên gọi cho vài người bạn tâm giao. Thật xui xẻo! Không ai rảnh rỗi. Điều này sẽ chẳng ảnh hưởng đến bạn nếu bạn là một ambivert. Bạn thừa bản lĩnh để sống độc lập một mình mà chẳng cần ai hết và thậm chí trong một vài ngày tới thì cũng chẳng thấy buồn chán. 
Teamwork luôn là điều cần thiết trong môi trường làm việc. Người hướng ngoại luôn quyết liệt với những nhận định của bản thân nhưng lại dễ dàng trở nên bảo thủ. Người hướng nội lại không dám nói lên tiếng nói của mình, trao quyền quyết định vào tay người khác. Hai nhóm này cùng làm việc thành công thì chưa thấy đâu nhưng thất bại như đã được dự báo trước. Với ambivert thì câu chuyện lại hoàn toàn khác, họ có khả năng lắng nghe của hướng nội và có khả năng nói lên tiếng nói của mình của người hướng ngoại. Tín hiệu thành công đã xuất hiện. 
Chẳng dại gì để mỗi chúng ta “say no” khi nhìn vào những con người như thế này. Vì thế hãy gạt bỏ cách giới thiệu bản thân rằng “tôi là người hướng ngoại hoặc hướng nội” đi. Ambivert mới là cái bạn cần khi giới thiệu về bản thân mình.