_Trung ơi, anh du học ở Áo, thế đang Master hay PhD?
_Cả hai đều không phải, bắt đầu lại Bachelor vào năm 27 tuổi có phải là một sự điên rồ không?

Suốt 3 học kì nay, đây là câu hỏi vẫn luôn thường trực lởn vởn trong đầu của tôi, trong đầu của bố mẹ tôi, và hầu hết những người mà tôi quen biết. Dẫu biết một khi đã quyết định con đường, đã chọn lựa xong xuôi, đã đặt bút kí giấy thì việc tự vấn này là điều cấm kị. Có nhiều người mang cả câu hỏi này đi vào tận giấc ngủ, vào từng bữa ăn, và trong từng giọt mồ hôi khi đi làm thêm buổi tối. Thế nhưng giấc mơ xinh tươi không thể che lấp được sự thật phũ phàng đối với những người như tôi, những người không có khả năng gì đặc biệt.

Giấc mơ đã chết


    Sau bao nhiêu năm là một kẻ mơ màng, bay bổng, là một chàng sinh viên trường Kiến, tôi gác bỏ lại tất cả, tự lấy tay tát vào mặt mình cho tỉnh táo rồi cắn răng bắt đầu tất cả mọi thứ lại từ đầu. Có thể nói rằng, tôi sinh ra là một kẻ mơ mộng khi suốt ngày thả hồn vào những bài nhạc, vào những bức tranh vẽ; mơ mộng đến nỗi mà suốt 3 năm cấp ba không biết bao nhiêu lần tôi hỏi các bạn học của mình, khi mà tất cả mọi người đến lớp và ai cũng ôm quyển sách trên tay dù chưa đến giờ học:
Ủa hôm nay có kiểm tra gì hả?
Hôm nay kiểm tra 1 tiết, ông ơi là ông!
    Thật sự tôi cũng không biết chắc chắn được rằng việc từ bỏ dần dần sự mơ mộng ấy là do hiện thực xã hội, hay là do sự phòng vệ cá nhân khi tôi mất đi quá nhiều thứ vì sự mơ mộng của mình. Tôi còn nhớ vào năm lớp 9, tôi đứng trước cửa phòng thi học bổng A-star của Singapore mà khóc. Tôi khóc vì cánh cửa ấy sao mà đóng kín thế, sao mà xa vời vợi thế, tôi khóc vì:
Em là ai mà em đòi thi?
Em chả là ai cả

Đọc thêm:

Đến năm lớp 11, sau khi tôi gần như từ bỏ mọi ước mơ đi du học thì bất chợt trong trường lại có suất thi học bổng A-star. Tôi chẳng hề biết bất cứ gì về việc sẽ có kì thi này lại lần nữa, cũng chẳng biết trong bài thi có gì, thể lệ thi ra sao. Trong bài thi có một câu hỏi bằng tiếng Anh rằng đối với tôi ai là người thầy/cô quan trọng nhất trong cuộc đời. Lúc ấy, tôi viết như chưa từng được viết, dằn từng nét bút vào trang giấy, viết tràn kín từng vạch kẻ, viết đến quên cả trời đất. Trong lúc tất cả mọi người viết về một câu chuyện đẹp đẽ nào đó, tôi kể về một người thầy năm cấp 2 đã biến tôi từ một tay học sinh cá biệt về lại một con người đàng hoàng, vào đội tuyển học sinh giỏi và rồi thi đậu vào trường chuyên. Tôi kể về hình xăm vẫn còn trên người của thầy như một kỉ niệm về một thời thầy cũng đã như tôi; tôi kể về những tháng ngày trốn học, về những lần xô xát và sự hối hận của tôi trong suốt quãng thời gian đó.
    Và kết quả là tôi rớt một cách mãn nguyện. Tôi thà rớt còn hơn phải nói dối về một cái gì đó đẹp đẽ và nhân văn. Tôi thà rớt còn hơn là một kẻ giả tạo, là một kẻ không dám nói lên tiếng lòng của mình. Tôi mãn nguyện, bởi vì có vẻ như đã đến lúc mà tôi gạt giấc mơ của mình qua một bên và an phận với khả năng của mình. Tôi mãn nguyện ngửa mặt lên trời để nước mắt khỏi lăn trên gò má một lần nữa, vì đây là lúc tôi đặt gánh nặng tiếc nuối trên vai mình xuống, ít nhất thì mình đã cố, và không thể đạt được. Gần như lúc đó trong đầu tôi có suy nghĩ rằng việc đi du học chỉ dành cho những người thật sự giàu, hoặc những người thực sự giỏi, và tôi thì chẳng thuộc vào hai nhóm kể trên.
    Năm 18 tuổi, từ một học sinh chuyên Anh khối D đột ngột chuyển hướng qua khối V cuối năm lớp 11, tôi rớt Kiến Trúc theo NV1, và vào học Quy Hoạch theo NV2. Ngành học này, đối với suy nghĩ của tôi lúc ấy, sẽ là một cái gì đó dung hòa giữa hiện thực và mơ mộng, sẽ là một nơi để tôi thỏa chí mơ mộng, sẽ là một nơi mà tôi tự cho phép mình mơ một lần nữa. Nhưng không, sự hiện thực trong các đồ án, sự chân thật trong từng nét mực, ô màu khiến tôi phải tỉnh táo, phải mở căng mắt ra để không làm điều gì gây bản thân nuối tiếc. Đối với một Quy hoạch gia, mỗi một đường kẻ, một ô màu gây ảnh hưởng cho hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn hộ dân. Trong đầu tôi lúc ấy văng vẳng tiếng kêu khóc của hàng ngàn hộ dân "dính quy hoạch“ và hình ảnh người phụ nữ ngã quỵ xuống trong buổi công bố đồ án Quy hoạch. Đành rằng những KTS Quy hoạch thực hiện thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư, của địa phương, của Chính Phủ, còn việc đền bù và giải quyết tranh chấp không nằm trong phận sự của chúng tôi, thế nhưng tiếng khóc ấy ám ảnh tôi đến nỗi mà vào ngày tốt nghiệp của khoa Quy Hoạch khóa 2012-2017, tôi trao tấm bằng Cử nhân vào tay bố mẹ mình và cầu xin ông bà cho tôi một cơ hội khác, vì tôi không thể nào trở thành một KTS Quy hoạch được.
Cử tri Thủ Thiêm yêu cầu từ chức, Chủ tịch HĐND <a target=
Cử tri Thủ Thiêm tại buổi tiếp xúc với UBND TP.HCM về vấn đề đền bù tái định cư

Đọc thêm:

Và thế là từ một chàng Kiến trúc sư tóc dài mượt mà, trên tay cầm cây đàn hát nhạc Pháp, tôi nhìn vào gương, nhìn vào chính bản thân mình và tự hỏi:
Mày mơ đủ chưa?
    Ngay ngày hôm đó, tôi cắt đi mái tóc dài của mình, rời khỏi ban nhạc, rời xa cây đàn là vật tuyệt đối quan trọng, bắt đầu đi học tiếng Đức và chuẩn bị hồ sơ. Cái lúc ấy tôi mới hiểu tâm trạng của các bạn nữ cắt tóc sau khi chia tay thế nào, nhìn từng lọn tóc dài rơi xuống phũ phàng giống như từng cơn mơ đang được rũ bỏ. Kể từ ngày hôm đó, Nguyễn Bảo Trung của sự mơ mộng đã chết, để lại một kẻ cẩn trọng trong suy nghĩ, logic trong tính toán và hà khắc đến cực đoan trong sự phát triển bản thân. 
    1 năm sau đó, vào một ngày đầu thu 2018, tôi bước lên máy bay rời xa gia đình, rời xa những nơi mình từng thân thuộc, rời xa ban nhạc đầy nhiệt huyết, tạm biệt 2 chú chó của mình để đến với Áo - một đất nước còn ít dân hơn Sài Gòn.
    Viết đến đây liệu có bạn nào đoán được ngành tôi quyết định học là gì không?

Quyết định điên rồ

    Từ một người học thiên về nghệ thuật, học tiếng Pháp lãng mạn, tôi đăng kí học Mechanical Engineering, ngành khó học nhất tại trường đại học nổi tiếng khó khăn nhất nước Áo, và lại còn học bằng tiếng Đức. Tôi mất khoảng 1 năm học tiếng Đức tại VN, và 1 năm học tại Áo để đạt đến C1, đủ điều kiện nhập học Đại Học.
TU Wien - Wikidata
Technical University of Vienna
    Điên rồ ở đây nằm ở chỗ bạn học một ngoại ngữ thứ 2 nằm trong nhóm những ngôn ngữ khó học của thế giới, bắt đầu học lại Bachelor từ đầu cùng với những sinh viên bản địa chỉ mới 19,20.
    Điên rồ ở chỗ trong lúc các bạn sinh viên trẻ tuổi năng động xông xáo kết nối mọi lúc mọi nơi, buổi tối party đến 2 giờ sáng nhưng 8 giờ vẫn ngồi ngay ngắn ở giảng đường, thì bạn ở tuổi 27 ngồi nhà học mãi một đoạn văn không vô nổi.
    Điên rồ ở chỗ dẫu biết tỉ lệ rớt môn lên tới 97% và đã từng là vấn đề ầm ĩ một thời trên mặt báo tại Áo mà vẫn đăng kí vào học, học ngày học đêm, học vào trong tận lúc ngủ.
    Điên rồ ở chỗ nhiều lúc cảm thấy cô đơn đến cùng cực vì không thể kết bạn với bất cứ một ai trong cùng khóa của mình. Trong khi những người tầm tuổi của mình họ học Master, học PhD thì mình vẫn còn ngồi đây với Đại số tuyến tính. Trong khi họ thăng tiến dần đều trong công việc thì mình vẫn sáng lên giảng đường, tối làm thêm cặm cụi. Trong khi họ leo lên những nấc thang nhu cầu thì mình vẫn phải nai lưng ra đảm bảo cho những nấc thang thấp nhất.
    Tôi không hiểu nhiều bạn bảo rằng đi học cùng với người nước ngoài thì người châu Á chúng ta luôn luôn vươn lên đầu lớp là các bạn học ở trường nào và lớp nào nhưng ở đây, tôi thấy tôi là người kém cỏi nhất, mặc dù ở Việt Nam học không đến nỗi tệ. Các sinh viên người Áo học cực kì chăm chỉ, đặt câu hỏi cực nhiều, cực hay và đầu tư cho việc học đến nỗi họ về đến nhà, ăn uống xong là vứt hết tất cả đấy, chui vào học tiếp. Nhiều lúc chúng ta cứ hay nói họ ở bẩn, bừa bộn và bê bối, nhưng thật ra họ ở sạch nhưng phải hy sinh thời gian dọn dẹp để tập trung vào việc học, cái mà họ ưu tiên nhất. Nhiều người bảo rằng:
Tây lông học hành gì đâu chả thấy, mà thấy toàn bar bủng giật giũ cưa cẩm nhau.
    Mỗi lần nghĩ đến câu này tôi lại phì cười. Nếu như bạn thấy một người 3-4 lần 1 tuần lên Bar thì có thể là đúng, nhưng đối với người chỉ đi vào cuối tuần hoặc vào "Discount day“ thì chưa chắc. Bởi vì trong tuần họ dành hết sức cho việc học và đi làm thêm, nên họ cần một thứ gì đó để xả stress, đó là cách để họ cân bằng cuộc sống của mình: Học hết sức, chơi hết mình!
2,000 Years of Partying: The Brief History and Economics of Spring Break -  The Atlantic
Đối với tôi Party không có gì là xấu xa khi họ nhờ vào điều đó có thể cân bằng được cuộc sống
    Sau khi thấy cách học và làm việc của họ thì tôi cũng không còn ngạc nhiên gì khi số lượng giải thưởng khoa học thế giới, giải thưởng Nobel cho đến tận giờ phút này hầu hết vẫn thuộc về người da trắng. Đấy là do cách giáo dục, cách học, cách vận dụng vào cuộc sống lẫn cách tư duy để khiến họ đạt đến ngưỡng cao nhất của khoa học kỹ thuật hiện nay. Lý do tại sao người châu Á thông minh mà số lượng giải/cống hiến cho thế giới không nhiều thì có lẽ nên được giải thích cặn kẽ hơn ở một bài viết khác.
How many Nobel Prizes has the UK won? - Full Fact
Danh sách giải thưởng Nobel/triệu người, tính theo nơi sinh ra, chứ không phải nơi nhận quốc tịch.

Kết luận

    Điên rồ thật, liều lĩnh thật, nhưng tôi nghĩ nó đáng, đáng từng đồng xu cắc bạc, từng giọt mồ hôi khi mà ta bỏ cái lăng kính màu hồng ra mà nhìn cách mọi thứ vận hành, để biết được mình còn kém cỏi, bỏ những giá trị vật chất đạt được trước kia ra để trở về là một sinh viên nghèo túng.
    Nhiều lúc rít vội điếu thuốc lúc giải lao giữa giờ cùng với ông bạn 30-tuổi-mới-đi-học-Đại-Học của tôi (có lẽ là người bạn duy nhất của tôi tại Đại Học bên này), mà hai thằng nhìn nhau cười trừ.
Hắn: Khó quá mày ạ.  
Tôi: Thế có nản không?
Hắn: Không. Lúc tao xin nghỉ việc, bán xe, bán hết nội thất, trả lại căn hộ ở Salzburg để lên Wien, tao đã quyết tâm rồi. Nhiều lúc cũng cô đơn lắm vì không thể kết bạn giao lưu được, cũng không thể có bạn gái được. Những người tầm 19-20 tuổi thì tao không hiểu họ, và họ cũng không hiểu tao. Những người tầm tuổi tao, thì họ cần một sự vững chắc trong tài chính, chứ không phải một sinh viên năm nhất. Nhưng về lâu dài thì nó là một sự đầu tư thay đổi toàn bộ cuộc đời, khi tao có thể vinh dự viết chữ BSc sau tên, hoặc DI (Diplom Ingenieur, Kỹ sư bậc thạc sĩ) trước tên, hoặc may mắn nữa thì là Dr.-Ing (Kỹ sư bậc tiến sĩ) trước tên. Và kiến thức này, tấm bằng này nó theo tao đến chết. Tao thấy nó đáng!
Tôi đồng ý với hắn.

Nguyễn Bảo Trung, Vienna 13.10.2020
Đọc thêm: